• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 4:24:37 SA - Mở cửa
Tiếc cho mía đường miền Tây!
Nguồn tin: Saigon Times | 10/01/2023 9:40:00 CH
Việc áp thuế chống bán phá giá đối với đường mía của Thái Lan cũng như áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường mía có nguồn gốc của Thái Lan từ một số nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) được xem là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành mía đường Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng. Tuy nhiên, điều đó vẫn khó có thể cứu được ngành mía đường ở ĐBSCL khi “căn bệnh” của ngành sản xuất này đã lan rộng.
 
 
Hàng loạt nhà máy đường ở miền Tây phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng vì không có mía nguyên liệu. Ảnh minh hoạ: CTV
 
Ngày 1-8-2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN, bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar và Malaysia.
 
Theo đó, Việt Nam nhập khẩu đường từ 5 quốc gia nêu trên mà có sử dụng nguyên liệu từ đường mía của Thái Lan sẽ bị áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế là 47,64%.
 
Việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại như nêu trên xảy ra sau khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thai Lan, với mức thuế 47,64%, trong đó, thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.
 
Với những quyết định nêu trên được xem là điều kiện quan trọng giúp bảo vệ và phát triển ngành mía đường Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, điều này vẫn rất khó để khôi phục ngành hàng này ở ĐBSCL.
 
Nhà máy mía đường lần lượt… đóng cửa!
 
Mía đường từng được một số địa phương khu vực ĐBSCL xác định là ngành hàng quan trọng, có đóng góp đáng kể cho kinh tế và đời sống của người nông dân, cho nên, cách đây hàng chục năm, nhiều nhà máy đường đã được các địa phương trong vùng chấp thuận cho đầu tư để phát triển.
 
Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, ngành mía đường phát triển không như kỳ vọng nên các nhà máy đã được đầu tư trước đó cũng lần lượt rút lui khỏi thị trường.
 
Trao đổi với KTSG Online, ông Phạm Quang Vinh, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) xác nhận, thời kỳ đỉnh cao, khu vực ĐBSCL có cả chục nhà máy đường hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn ba nhà máy duy trì hoạt động nhưng trong trạng thái cầm chừng.
 
Theo đó, ba nhà máy còn hoạt động, gồm Nhà máy đường Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh); Nhà máy đường Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) và Nhà máy đường Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang). Trong khi đó, có ít nhất 7 nhà máy đường ở vùng này đã đóng cửa, gồm Nhà máy đường Hiệp Hoà và Nhà máy đường NIVL (tỉnh Long An); nhà máy đường Bến Tre (tỉnh Bến Tre); Nhà máy đường Vị Thanh và Nhà máy đường Long Mỹ Phát (tỉnh Hậu Giang); Nhà máy đường Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang) và Nhà máy đường Thới Bình (tỉnh Cà Mau).
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy đường nêu trên, nhưng quan trọng nhất là vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đã bị “xoá sổ”. Chẳng hạn, đối với hai nhà máy đường ở tỉnh Long An, thì vùng nguyên liệu không còn do công nghiệp hoá và đô thị hoá; Nhà máy đường Bến Tre và Nhà máy đường Trà Vinh không còn vùng mía nguyên liệu do quản lý, điều hành yếu kém…
 
Thậm chí, ngay cả những nhà máy đang còn hoạt động cũng rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng vì thiếu mía nguyên liệu.
 
Ông Trần Vĩnh Chung, Tổng giám đốc Casuco- đơn vị quản lý nhà máy đường Phụng Hiệp- cho biết, vụ mía 2022-2023, Casuco bao tiêu sản xuất với nông dân 836 héc ta, nhưng sản lượng mía đưa vào nhà máy không đủ phục vụ sản xuất nên phải hoạt động cầm chừng, tức huy động mía trong nhiều ngày mới đủ ép một ngày.
 
Một cổ đông lớn của Casuco khi trao đổi với KTSG Online xác nhận, đơn vị này đã nhiều lần thay đổi kế hoạch sản xuất do thiếu hụt mía nguyên liệu phục vụ cho hoạt động của nhà máy đường Phụng Hiệp.
 
Cụ thể, ngày 4-11-2022, HĐQT của Casuco họp, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh với sản lượng mía ép trong vụ 2022-2023 là 80.000 tấn. Tuy nhiên, đến ngày 14-11-2022, HĐQT họp ban điều hành, thì xác định sản lượng mía có thể ép trong niên vụ 2022-2023 chỉ 68.000 tấn.
 
Theo nguồn tin này, đến ngày 30-11, Chủ tịch HĐQT đã có văn bản xin ý kiến HĐQT điều chỉnh kế hoạch sản xuất xuống chỉ còn 30.000 tấn mía, tức giảm 50.000 tấn so với con số được xây dựng trước đó (ngày 4-11-2022).
 
Tuy nhiên, thực tế vụ mía 2022-2023, nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ ép được 14.550 tấn nguyên liệu, tương đương chỉ 1 tuần hoạt động. Trong khi đó, thời điểm đỉnh cao vào niên vụ 2017-2018, nhà máy này ép được trên 950.000 tấn.
 
Theo nguồn tin nêu trên, trước những khó khăn đang phải đối mặt, khả năng sẽ phải đóng cửa nhà máy đường Phụng Hiệp và tính đến phương án giải thể doanh nghiệp. Đây là phương án được tính đến để tránh lỗ mất vốn của đơn vị này cũng như giúp nông dân tránh gặp các rủi ro.
 
Kết cuộc buồn: vì đâu?
 
Tỉnh Hậu Giang – vùng trồng mía trọng điểm của khu vực ĐBSCL – từ chỗ duy trì diện tích sản xuất khoảng 14.000 – 15.000 héc ta mỗi năm cách nay 7-8 năm, thì theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của địa phương này, niên vụ năm 2021-2022, diện tích sản xuất của Hậu Giang chỉ còn khoảng 5.000 héc ta, trong đó, huyện Phụng Hiệp khoảng trên 4.700 héc ta, TP Ngã Bảy khoảng trên 300 héc ta và một số ít ở TP Vị Thanh.
 
Tuy nhiên, trao đổi với KTSG Online, ông Chung của Casuco ước tính diện tích mía của Hậu Giang không đạt đến con số như trên khi căn cứ vào sản lượng mía đã được đưa vào ép tại Nhà máy đường Phụng Hiệp cũng như bị một số nhà máy ở khu vực miền Đông Nam bộ xuống thu mua.
 
Trước đó, vào năm 2020, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Hậu Giang, lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ đã xác nhận, mía không còn là cây trồng chủ lực được địa phương tập trung phát triển.
 
Dù có khác nhau về con số, nhưng có một điều chắc chắn là diện tích mía của tỉnh Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung đã liên tục sụt giảm trong những năm qua. Vậy câu hỏi được đặt ra, vì sao nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này?
 
Trao đổi với KTSG Online, ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm câu lạc bộ trồng mía 200 Hậu Giang, ngụ ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang xác nhận, cây mía từng mang lại cho gia đình ông và nhiều hộ nông dân khác ở huyện Phụng Hiệp mức lợi nhuận 70-80 triệu động/héc ta, thậm chí có lúc lên đến hơn 100 triệu đồng/héc ta. “Ở chỗ tôi, người nông dân nhờ trồng mía mà lên (ý nói xây dựng- PV) nhà tường nhiều lắm, điển hình tôi cũng vậy luôn”, ông nói.
 
Theo ông, lúc bấy giờ, mía được doanh nghiệp quan tâm bao tiêu rất rõ ràng, trong khi các nhà máy đường, kể cả ở các địa phương khác cũng đến thu mua rất nhiều nên việc tiêu thụ khá thuận lợi. “Giá bán ở mỗi vụ tuy có khác nhau, nhưng việc tiêu thụ là rất thuận lợi”, ông Hiền nói.
 
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt là từ niên vụ 2018- 2019 và 2019-2020, giá mía xuống thấp, có lúc chỉ còn 650-700 đồng/kg, trong khi doanh nghiệp cũng không còn mặn mà với loại cây trồng này, dẫn đến việc tiêu thụ khó khăn, nông dân thua lỗ. “Đã có không ít nông dân không trụ nổi đành cho mướn đất để đi Bình Dương làm việc”, ông Hiền dẫn chứng.
 
Cùng lúc đó, giá phân bón, mía giống và nhân công lại tăng cao, trong khi chính sách xác định chữ đường của các nhà máy không minh bạch (xác định chữ đường của cây mía để quyết định giá mua- PV). Thậm chí, chuyện năng suất cây mía sụt giảm vì thiếu giống mới và đất đai bị suy thoái…, cũng chính là những nguyên nhân đẩy người nông dân “rời xa” cây mía nhanh hơn.
 
Ông Nguyễn Văn Đua, ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, sau khi quyết định bỏ mía, có không ít nông dân đã quyết định chuyển đổi sang các loại cây trồng khác nhằm tìm hướng kinh tế mới. “Sau khi bỏ mía, tôi đã chuyển sang trồng mít”, ông nói và cho rằng, thu nhập từ loại cây trồng này trước mắt khá hơn mía.
 
Còn theo ông Hiền, từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, ông đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng mía và phần đất mới (3 héc ta) sang trồng chuối. “Tôi trồng chuối khoảng 10 tháng cho thu hoạch, thì từ thời điểm đó đến khoảng 1,5 năm sau, cây chuối cho năng suất khá cao, thu nhập 70-80 triệu đồng/héc ta”, ông dẫn chứng và cho biết, thời điểm khoảng 1 năm trở lại đây, cây chuối bị hư nhiều nên thu nhập có giảm, chỉ còn 50-60 triệu đồng/héc ta.
 
Từ câu chuyện nông dân bỏ mía khiến ngành hàng này ở ĐBSCL ngày càng khủng hoảng về nguyên liệu, các nhà máy đường đã phải đóng cửa. Vì vậy, việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía của Thái Lan cũng như áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ đối thương mại đối với đường mía từ một số nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) vẫn khó có khả năng đưa ngành này trở lại thời kỳ hoàng kim.