Dự báo tình hình cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng sẽ tăng lên và gay gắt trong lĩnh vực xây dựng dân dụng lẫn công nghiệp thời gian tới. Lợi thế trong cạnh tranh sẽ thuộc về các doanh nghiệp quy mô lớn, sở hữu dòng tiền tốt và cơ cấu tài chính khỏe mạnh.
Trong báo cáo triển vọng về ngành xây dựng năm 2023 mới xuất bản, riêng với lĩnh vực xây dựng dân dụng, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VCBS cho rằng, tình hình cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng dự báo vẫn gay gắt và nhiều khả năng sẽ trở thành mức bình thường mới trong 1-2 năm tới.
Lợi thế sẽ thuộc về nhà thầu lớn
Điều này cần xét đến nguồn cung dự án và nhu cầu xây dựng thấp. Các nhà thầu có áp lực nhận thầu bằng mọi giá để duy trì bộ máy. Sau khi nội bộ CTCP xây dựng Coteccons (từng đứng vị trí lớn nhất trong các doanh nghiệp xây dựng dân dụng) chính thức chia tách, lĩnh vực xây dựng dân dụng ghi nhận cuộc đua thị phần mới khi thị trường phân mảnh hơn và nhiều doanh nghiệp (DN) tiền thân từ hệ thống Coteccons (Ricons, Central, Newetons,…) mạnh mẽ gia tăng quy mô hoạt động và đấu thầu các dự án.
Tình hình cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng dự báo vẫn gay gắt và nhiều khả năng sẽ trở thành mức bình thường mới trong 1-2 năm tới.
Ngoài ra, theo chuyên gia phân tích của VCBS, chủ đầu tư các dự án quy mô lớn (đại đô thị, khu phức hợp),… có xu hướng sử dụng dịch vụ của nhiều nhà thầu tại các phân khu hay gói thầu khác nhau.
Điều này nhằm tận dụng các ưu thế đa dạng của các nhà thầu khác nhau và tạo ra môi trường thúc ép lẫn nhau giữa các nhà thầu khi nhà thầu đi sau về tiến độ và hiệu quả thi công có thể bị loại khỏi dự án và gặp khó khăn trong đấu thầu các dự án tương lai.
Như vậy, một mặt sẽ giúp gia tăng cơ hội cho các nhà thầu tham gia vào các dự án quy mô lớn, nhưng vị thế đàm phán và biên lợi nhuận của các DN xây dựng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Còn ở lĩnh vực xây dựng công nghiệp, VCBS cho rằng mức độ cạnh tranh dự kiến tăng lên đáng kể trong giai đoạn tới khi nhiều DN lớn trong lĩnh vực xây dựng dân dụng hay hạ tầng tích cực gia nhập thị trường.
Theo đó, lợi thế trong cạnh tranh sẽ thuộc về các DN quy mô lớn, có khả năng cung cấp dịch vụ xây lắp trọn gói cho khu công nghiệp trên nhiều hạng mục (hạ tầng nội khu, nhà xưởng, văn phòng và nhà ở công nhân,…).
Hơn nữa, các nhà thầu có mối quan hệ tốt và thân thuộc văn hóa với các DN nước ngoài được cho là sẽ có nhiều lợi thế trong đấu thầu các dự án lớn khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thiết lập chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Trong vụ lùm xùm tranh chấp nội bộ đang gây xôn xao dư luận ở một nhà thầu xây dựng hàng đầu như CTCP Tập đoàn Hoà Bình (
HBC), ngoài một phần do bức tranh tài chính khó khăn thì cũng phảng phất áp lực cạnh tranh.
Như chia sẻ mới đây trước báo giới của ông Dương Văn Hùng, Thành viên HĐQT độc lập
HBC, ngày xưa giao dự án dựa vào các mối quan hệ, còn bây giờ tất cả chủ đầu tư trong nước và nước ngoài đều đấu thầu chọn nhà thầu.
Mối lo khó thu hồi công nợ
Theo ông Hùng, việc giao dự án dựa trên quan hệ, yêu quý cá nhân hiện còn rất ít, mà tất cả dựa trên sự đánh giá năng lực, trình độ xây dựng, quản lý giám sát, năng lực tài chính của công ty.
Còn hồi năm ngoái, nói về khó khăn của các nhà thầu xây dựng, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT
HBC, cho rằng đầu tư công trong nước được đẩy mạnh nhưng lại gặp khó khăn do trượt giá, nhiều đơn vị trúng thầu dự án đầu tư công cũng không đủ điều kiện phát triển.
Theo ông Hải, với đầu tư của khối tư nhân thì bị siết tín dụng khiến dòng tiền bị ảnh hưởng, khó khăn về tài chính càng tăng và dẫn đến công tác thanh toán cho các nhà thầu bị chậm trễ cũng là những trở ngại để ngành xây dựng phục hồi. Đặc biệt, lợi nhuận của nhà thầu đã mỏng do cạnh tranh khốc liệt thì lại càng bị ăn mòn bởi trượt giá.
Giới chuyên gia nhận định thời gian tới, nhiều chủ đầu tư bất động sản có thể thiếu hụt nghiêm trọng về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho các nhà thầu. Áp lực trích dự phòng phải thu tại các DN xây dựng nhiều khả năng sẽ thể hiện mạnh mẽ từ giữa năm 2023, khi các khoản phải thu xây dựng quá hạn thanh toán trên 6 tháng.
Khó khăn trong thu hồi công nợ sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế tài chính và thanh khoản của các DN xây dựng khi phần lớn các nhà thầu phải sử dụng nợ vay để tài trợ cho hoạt động thi công.
Điều này cũng có thấy rõ ở trường hợp
HBC. Bức tranh tài chính của
HBC trong 2 năm qua phải đối diện với nhiều khó khăn khi ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Như giai đoạn 2020 - 2022, trong lúc nguồn thu mới đang gặp vấn đề, nợ khó đòi và nợ xấu của
HBC lại có xu hướng tăng cao bởi các đối tác và loạt chủ đầu tư chưa thể thanh toán tiền.
Trong khi đó, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các DN xây dựng dân dụng trong năm nay dự báo vẫn ở mức thấp. Thị trường bất động sản đi vào giai đoạn trầm lắng khi xu hướng thắt tín dụng và lãi suất tăng cao gây khó khăn cho người mua nhà.
Giá nhà đã khá cao so với nhu cầu và khả năng chi trả của đa số người dân. Nguồn vốn phát triển dự án của các chủ đầu tư bị thu hẹp do môi trường tín dụng thắt chặt và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp khó khăn hơn từ các quy định mới.
Có thể nói, trước áp lực cạnh tranh thời gian tới, những nhà thầu nào sở hữu dòng tiền tốt và cơ cấu tài chính khỏe mạnh sẽ có thể đảm nhận được các gói thầu lớn và không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay tài chính cho hoạt động thi công. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chi phí đầu vào và tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục là vấn đề then chốt mà các nhà thầu cần lưu tâm.