Tiền nội đã có nhiều lý do hơn để trở lại với thị trường. Ngoài việc khối ngoại liên tục giải ngân thì chủ đề Đầu tư công đã giúp cho nhiều cổ phiếu có sự hứng khởi hơn. Một số nhóm ngành như Chứng khoán, Bất động sản, Năng lượng cũng đang được lan tỏa.
(Ảnh minh họa)
Định vị thị trường
Các phiên đi ngang liên tục trong thời gian gần đây đang cầm chân chỉ số VN-Index ở vùng 1.050 điểm. Theo thống kê, số lượng các mã có xu hướng tăng dài hạn vẫn đang chỉ đang ở mức 14% nên việc chỉ số có thể sánh bước cùng một số chỉ số chứng khoán châu Á như Hang Seng, SET, TWSE vẫn đang là một bài toán chưa thể sớm giải quyết.
2 chỉ số tích cực nhất là SET và Hang Seng vẫn đang tăng điểm nhẹ trong phiên sáng nay dù nhà đầu tư thế giới đang có xu hướng chậm lại để chờ số liệu CPI tại Mỹ và kết quả kinh doanh quý 4/2022 của các doanh nghiệp lớn nước này.
Chất xúc tác
Câu chuyện về đầu tư công đã được hâm nóng trở lại trên thị trường giúp cho nhiều cổ phiếu Hạ tầng, Vật liệu xây dựng đồng loạt tăng mạnh ở phiên chiều qua. Phần nào đó, tiền nội đã có sự vận động trở lại trong tuần giao dịch trước kỳ đáo hạn phái sinh. Nhà đầu tư cũng có thể sẽ trải nghiệm hiệu ứng "Tháng Giêng" nếu đang nắm giữ nhóm cổ phiếu này.
Dù vậy, các mã này vẫn có thể xem là thiểu số khi cả sàn tính chung lại vẫn có một phiên giao dịch dưới mức bình quân 20 phiên. Nếu như không có tiền ngoại liên tục bơm vào thị trường thì có lẽ tâm lý của nhà đầu tư nội cũng khó có thể cải thiện được.
Tính đến hết phiên hôm qua, khối ngoại đã có 12 phiên liên tiếp giải ngân vào HOSE. Tổng giá trị mua ròng tại HOSE từ đầu năm là hơn 2.600 tỷ đồng còn nếu tính trên quy mô cả 3 sàn là hơn 2.700 tỷ đồng.
Theo thống kê từ CTCK BIDV, quỹ Van Eck ETF hôm qua đã nhận được thêm 6,7 triệu USD trong khi FUEVFVND nhận được 1,8 triệu USD còn FUESSVFL nhận được 1,6 triệu USD. Hiện Van Eck đang dẫn đầu về quy mô hút ròng trong vòng 1 tuần trở lại đây với giá trị là 37,2 triệu USD.
Vận động nhóm ngành
Biến động của sàn HOSE trong phiên sáng nay đang là sự kế thừa những chuyển động đã có và đang mở rộng sang một số nhóm ngành như Chứng khoán, Bất động sản.
Tại VN30, các cổ phiếu Ngân hàng như
CTG (+1,9%),
BID (+1,6%), TCB (+1,3%), LPB (+2,4%), STB (+1,4%) không tăng quá mạnh nhưng các diễn biến này vẫn củng cố vị thế hàng đầu của nhóm này. Gần như chưa có một nhóm ngành có số lượng mã vượt MA200 tốt như Ngân hàng ở thời điểm hiện tại.
Cổ phiếu PLX cũng đang ghi điểm mạnh khi đang có nỗ lực vượt MA200 nối tiếp theo thành tích đã đạt của nhóm Ngân hàng hay các mã VNM, VRE. Phiên hôm qua, PLX đã tăng 3,8% và trong sáng nay đang nối tiếp với mức tăng trên 3%.
Nhóm Chứng khoán và Bất động sản với các cổ phiếu góp mặt trong VN30 như NVL (+6,8%), PDR (+4,9%), SSI (+4%) đang tăng mạnh nhất rổ. Trạng thái của các cổ phiếu này đều đi sau những cổ phiếu kể trên nhưng đang tiếp sức cho một loạt các cổ phiếu vốn hóa thấp hơn có sự trở lại tích cực.
DXG hiện đã tăng trần, HCM tăng trên 4%, VND tăng gần 5%,
DIG tăng gần 6%, VCI tăng hơn 5%.
Nhóm Năng lượng chưa có sự hồi phục mạnh nhưng cũng đang chớm có những tín hiệu khả quan ở các mã
HDG, PC1, REE,
GEG khi cùng tăng trên 1%.
Với nhóm cổ phiếu đi theo chủ đề Đầu tư công, cổ phiếu ngành Thép như
HSG (+5,06%), NKG (+5,93%) đang tăng "nước rút" để đi theo các mã đã đi trước. Hiện VCG,
FCN,
HHV đều tỏ ra ra khá từ tốn sau khi đã phát tín hiệu chung. Ưu tiên của các cổ phiếu này có lẽ vẫn cần hút được thanh khoản thay vì cố gắng đi lên một cách hưng phấn.
Tính đến 11h, VN-Index đã tăng lên hơn 10 điểm lên 1.065 điểm. Giá trị giao dịch đang rục rịch khởi sắc khi đạt hơn 4.200 tỷ đồng, cao hơn mức bình quân 1 tháng.
Hiệu ứng tích cực cũng đang được lan tỏa tới HNX và UPCoM để giúp cả 2 chỉ số đại diện cùng tăng điểm. HNX-Index đã tăng hơn 1% lên 212 điểm còn UPCoM-Index tăng hơn 0,2% lên 72,6 điểm.