Đến cuối năm 2022, TLH vẫn còn ôm hơn 105 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh (theo giá gốc) nhưng giá trị hợp lý chỉ còn 42,6 tỷ đồng, tương đương mức tạm lỗ gần 60%.
CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã
TLH) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với doanh thu đạt 1.662 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp lỗ gộp hơn 51 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 55,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm gần 39% xuống 22,5 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lại tăng mạnh gấp 3,3 lần lên hơn 69 tỷ đồng do lãi vay cao và lỗ chứng khoán. Sau khi trừ các chi phí,
TLH lỗ ròng hơn 114 tỷ đồng, giảm sâu so với khoản lãi 34 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong một quý doanh nghiệp thép này ghi nhận kể từ quý 1/2020.
Lũy kế cả năm 2022,
TLH ghi nhận 5.324 tỷ đồng doanh thu, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Giá vốn cùng chi phí tài chính tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 7,5 tỷ đồng, giảm đến 98% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này,
TLH đã gần hoàn thành kế hoạch doanh thu (5.500 tỷ) nhưng mới thực hiện vỏn vẹn 2,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra (300 tỷ).
Thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của
TLH gần như không thay đổi so với đầu năm, đạt xấp xỉ 4.200 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho chiếm đến hơn 71% với số dư cuối kỳ gần 3.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã trích lập dự phòng giảm giá hơn 42 tỷ đồng đến cuối năm 2022.
Trong bối cảnh lĩnh vực cốt lõi là kinh doanh thép gặp nhiều khó khăn, cuộc phiêu lưu với chứng khoán của
TLH cũng không mấy thuận lợi. Thời điểm cuối năm 2022, doanh nghiệp thép này vẫn còn ôm hơn 105 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh (theo giá gốc). Tuy nhiên, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này chỉ còn 42,6 tỷ đồng, tương đương mức tạm lỗ gần 60%.
Các khoản đầu tư lớn nhất danh mục của
TLH vẫn là SHB, VIX và IJC và đều đang tạm lỗ nặng từ 55-70%. Trong khi đó, doanh nghiệp thép này đã bán bớt khoảng 32,6 tỷ đồng các cổ phiếu khác (tính theo giá gốc).
Về phần nguồn vốn, nợ vay tài chính của
TLH đã tăng nhẹ so với đầu năm lên hơn 1.550 tỷ đồng trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp này vẫn còn gần 710 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bên cạnh 76 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và gần 30 tỷ đồng quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu.