Từ năm 2020 đến nay, nhiều dự án trọng điểm trong lĩnh vực giao thông, phát triển hạ tầng đô thị, công trình được tỉnh và TP Hạ Long triển khai, đã tạo động lực tăng trưởng, thu hút đầu tư. Trong quá trình triển khai, TP Hạ Long có nhiều cách làm hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Để đảm bảo đồng bộ với tuyến đường Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long), UBND tỉnh đã điều chỉnh quy mô nâng từ 4 lên 6 làn xe. Hiện TP Hạ Long đang triển khai đầu tư, thi công cạp mở rộng nền đường theo thiết kế 6 làn xe. Ảnh: Đỗ Phương
Việc triển khai nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn TP Hạ Long đã kéo theo nhu cầu về đổ thải vật liệu xây dựng, đất phục vụ xây dựng các dự án là rất lớn. Trong khi đó, các địa điểm đổ thải của thành phố đã được lấp đầy và khó có khả năng tiếp nhận đổ thải như tại bãi chôn lấp phế thải xây dựng khu vực phía Tây Nam nghĩa trang Đèo Sen (phường Hà Khánh) và địa điểm chôn lấp phế thải xây dựng tại khu 6B (phường Hà Phong).
Điển hình như việc triển khai giai đoạn 2 Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, nâng quy mô từ 4 lên 6 làn xe, đoạn qua TP Hạ Long dài hơn 6km nối đường Trần Quốc Nghiễn đến gần khu vực hầm xuyên núi sẽ được đầu tư bổ sung 2 làn xe ngoài cùng của tuyến, làn đường mở rộng mỗi bên 3,75m (không bao gồm rãnh tam giác); kết cấu mặt đường tương đồng với các làn đã làm trước đó. Để thi công bổ sung 2 làn đường, hoàn thiện hệ thống thoát nước và vỉa hè thì theo thiết kế được duyệt, khối lượng đất đào nền được đưa về tập kết tạm tại bãi đổ thải phía Tây Nam nghĩa trang Đèo Sen là khoảng 45.000m3. Thế nhưng khu vực này không thể tiếp nhận thêm khối lượng đổ thải và thành phố cũng không còn bãi đổ thải nào được cấp phép theo quy định. Điều này dẫn đến thiếu mặt bằng để tổ chức thi công, khó khăn cho công tác đảm bảo ATGT trên tuyến khi tuyến đường thi công song song với phần đường đang hoạt động.
Thời điểm trước tháng 11/2022, do thiếu khu vực đổ thải đất dư thừa nên nhà thầu đã rất khó khăn trong công tác tổ chức thi công Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (giai đoạn 2).
Để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, thành phố đã kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh bổ sung thêm 3 địa điểm đổ thải xây dựng mới. Trong đó, 3 vị trí đổ thải vật liệu xây dựng tại xã Hòa Bình với tổng trữ lượng tiếp nhận khoảng 900.000m3. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh chấp thuận cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh tận dụng nguồn đất dư thừa còn lại của các dự án để phục vụ thi công dự án cầu Cửa Lục 3. Từ đề xuất của thành phố, tháng 11/2022, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý về sử dụng đất đá phát sinh từ Dự án Tuyến đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả để làm vật liệu san lấp cho một số dự án khác. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để dự án đẩy nhanh tiến độ thi công.
Bên cạnh việc vào cuộc quyết liệt trong tháo gỡ các khó khăn phát sinh của các dự án, trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, TP Hạ Long cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng các dự án. Việc triển khai các dự án cũng được thực hiện đồng bộ với quy hoạch, hoàn thiện các thủ tục liên quan (thu hồi đất, chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa…) và với công tác GPMB, bố trí tái định cư, quản lý tài nguyên, vật liệu san lấp ngay từ đầu năm. Thành phố yêu cầu tất cả các đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo.
Ông Vũ Đức Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của thành phố, Ban đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng các dự án. Trong đó, tăng tỷ lệ đấu thầu qua mạng lên tới 98% trong năm 2022 (năm 2021, tỷ lệ đấu thầu qua mạng là trên 50%), phấn đấu đảm bảo 100% các dự án được tổ chức đấu thầu qua mạng trong năm 2023. Điều này góp phần thu hút các nhà thầu có năng lực, uy tín trong triển khai các dự án. Song song với đó, đơn vị đã phân công rõ nhiệm vụ cho từng đồng chí trong Ban, tăng cường tư vấn giám sát và quy trách nhiệm. Đối với các công trình trọng điểm đều yêu cầu có lãnh đạo thực hiện giám sát để đôn đốc các nhà thầu. Với những nhà thầu không hoàn thành hoặc hoàn thành chậm tiến độ đều sẽ đưa vào tiêu chí xét thầu trong những năm tiếp theo.
Theo báo cáo của UBND thành phố, tính đến hết tháng 11/2022, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân là gần 1.200 tỷ đồng (đạt khoảng 60% tổng kế hoạch vốn) và đến hết năm 2022 giải ngân được trên 2.200 tỷ đồng (đạt gần 100% kế hoạch vốn); thành phố không có nợ đọng xây dựng cơ bản. Năm 2023, dự kiến thành phố dành khoảng 2.000 tỷ đồng triển khai các dự án đầu tư công.
Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả các nguồn vốn này, năm 2023, TP Hạ Long tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư ngay từ bước đầu, kiên quyết cắt giảm thủ tục không cần thiết để sớm hoàn tất hồ sơ, thủ tục đầu tư. Đồng thời, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân nguồn vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023. Cùng với đó, chủ động khắc phục tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai gây mất thời gian và làm chậm tiến độ giải ngân vốn; thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công; bám sát tiến độ thực hiện các dự án và báo cáo kịp thời tỉnh để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.