Mặc dù VN-Index chốt phiên sáng nay vẫn tăng nhẹ 1,69 điểm tương đương 0,16% nhưng số lượng cổ phiếu giảm giá đã áp đảo trong khoảng 30 phút cuối. Với mức khớp lệnh HoSE giảm tới 39% so với sáng hôm qua, rõ ràng là dòng tiền mua vào đã tụt giảm khá sốc...
Xếp theo thanh khoản, nhiều cổ phiếu giao dịch lớn cũng giảm giá, cho thấy có sức ép khá mạnh từ phía bán.
Mặc dù VN-Index chốt phiên sáng nay vẫn tăng nhẹ 1,69 điểm tương đương 0,16% nhưng số lượng cổ phiếu giảm giá đã áp đảo trong khoảng 30 phút cuối. Với mức khớp lệnh HoSE giảm tới 39% so với sáng hôm qua, rõ ràng là dòng tiền mua vào đã tụt giảm khá sốc.
Suốt cả phiên sáng, hai chỉ số quan trọng là VN-Index và VN30-Index đều nằm trên tham chiếu. Độ rộng sàn HoSE vẫn nghiêng nhiều về phía tăng giá cho tới tận 10h30 mới bắt đầu cân bằng. Từ 11h trở đi, số giảm tăng mạnh áp đảo và kết phiên sàn này ghi nhận 145 mã tăng/220 mã giảm.
Độ rộng thay đổi là biểu hiện rõ nhất về trạng thái điều chỉnh giá trên thị trường. Các chỉ số đại diện có thể được nâng đỡ bằng mã vốn hóa lớn, nhưng khi số lượng mã giảm áp đảo, chắc chắn phải có áp lực bán nhiều hơn.
SAB tăng 4,96%, VHM tăng 1,73%, VNM tăng 1,26%, FPT tăng 1,13%, VRE tăng 1,22% là các cổ phiếu quan trọng nhất đang giúp các chỉ số có màu xanh. Bản thân nhóm blue-chips VN30 cũng không quá chênh lệch, với 14 mã tăng/12 mã giảm và chỉ số đại diện tăng 0,28%. Nhiều cổ phiếu trong rổ này tụt giá đáng chú ý như TPB lúc 10h20 tăng tới 3,64% so với tham chiếu thì đến cuối phiên sáng chỉ còn tăng 1,14%, tức là đã trượt dốc khoảng 2,41% chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ. HPG, GVR, VPB, NVL là các mã khác cũng bị xả trượt dốc từ 2% trở lên, trong đó duy nhất GVR còn trụ được tham chiếu.
Hiện HoSE có 112 cổ phiếu đang giảm vượt 1% giá trị và thanh khoản nhóm này chiếm 33,6% tổng khớp sàn. Phía tăng có 55 mã tăng trên 1% và thanh khoản chiếm 27,3%. Tổng phân bổ vốn ở nhóm tăng giá trên HoSE chiếm 41,9% giao dịch, phân bổ ở nhóm giảm chiếm 46,7%. Như vậy thị trường cơ bản vẫn là giằng co, dù biên độ nhóm giảm có lớn hơn và thanh khoản cho thấy có sức ép nhỉnh hơn.
Cổ phiếu bắt đầu đỏ nhiều hơn rõ rệt trong khoảng 30 phút cuối, dù VN-Index còn xanh.
Tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn niêm yết đã sụt giảm 40% so với sáng hôm qua, đạt 3.457,7 tỷ đồng. Điểm tích cực trong mức thanh khoản thấp này là biên độ biến động giá khá hẹp như mới nói ở trên. Lực ép mới chủ đạo thể hiện sức mạnh ở biên độ vùng tăng giá, tức là khiến giá tụt xuống trong khoảng 1 tiếng giao dịch cuối cùng. Thống kê cho thấy gần 58% số cổ phiếu có giao dịch sáng nay bị ép giá xuống từ 1% trở lên, dù khá nhiều mã vẫn còn cao hơn tham chiếu.
Dòng tiền yếu là nguyên nhân chính tạo nên hiện tượng lùi giá như vậy. Các nhà đầu cơ ngắn hạn vẫn bán ra hàng ngày, nên nếu có lực đỡ tốt, giá sẽ không đến mức quay đầu quá nhiều. Trong 20 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường, chỉ có 8 mã còn tăng so với tham chiếu. Chiều nay lực bán có thể tăng thêm và bên mua cần khả năng nâng đỡ tốt của dòng tiền bắt đáy, nếu không biên độ giảm giá sẽ mở rộng.
Các nhóm cổ phiếu ngược dòng sáng nay nổi lên là nhóm điện, với POW tăng 3,64% thanh khoản 123,9 tỷ đồng; GEG tăng 4,67% thanh khoản 33,1 tỷ; VSH tăng 4,62%, PC1 tăng 2,46%, PPC tăng 3,05%... Trong khi đó nhóm tài chính, bất động sản giao dịch yếu và cũng không có xu thế tăng rõ ràng, thậm chí giảm nhiều hơn tăng.
Khối ngoại sáng nay giải ngân giảm nhẹ so với sáng hôm qua, chỉ đạt 584,7 tỷ đồng. Tuy vậy bán cũng giảm theo, đạt 339,5 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 245,2 tỷ. VNM được mua ròng tốt nhất với 36,9 tỷ, VHM +26,7 tỷ, VIC +25,7 tỷ, VRE +23,5 tỷ, STB +23,4 tỷ. Phía bán duy nhất PVT -15,1 tỷ là đáng kể.
Thị trường sau phiên bùng nổ mạnh đầu năm, đang chững lại sang ngày thứ hai liên tiếp. Nhà đầu cơ dũng cảm mua sớm trước Tết dương đang có lời tốt và bán ra “lấy lộc”, đẩy cổ phiếu rơi vào trạng thái bị kiềm chế đà đi lên. Trong khi đó dòng tiền mua lại hạ nhiệt quá nhanh. Thị trường giằng co phân hóa không phải là diễn biến xấu, nhưng việc kém nhiệt tình của người mua cũng là điểm cần chú ý.