Theo chuyên gia, năm 2023 thị trường chứng khoán sẽ tạo đáy cho một chu kỳ mới, thông thường nhóm ngành liên quan đến tính chu kỳ cao. Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán sẽ đi trước thị trường.
Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Phân tích CTCK Thành Công (TCSC) chia sẻ, ông có nghiên cứu một mô hình theo chu kỳ của các ngành. Nói về sự tương quan giữa kinh tế và thị trường chứng khoán, thường TTCK sẽ đi trước, là phong vũ biểu của nền kinh tế. Khi kinh tế khó khăn và bắt đầu đi lên, TTCK cũng sẽ đi lên. Nhưng các nhóm ngành khác nhau sẽ đi lên khác nhau.
“Năm 2023 theo tôi đánh giá là năm TTCK sẽ tạo đáy cho một chu kỳ mới. Nếu bắt đầu một chu kỳ mới, thông thường nhóm ngành liên quan đến tính chu kỳ cao, đặc biệt là nhóm tài chính sẽ đi trước”, ông Trung nhận định.
Về nhóm tài chính và những nhóm ngành liên quan đến chu kỳ cao, chuyên gia đưa ra lựa chọn 2 nhóm ngành. Thứ nhất là ngân hàng, là nhóm có khả năng sẽ đi trước thị trường. Theo chuyên gia, nhóm này đã đi ngang khoảng gần 2 năm qua, năm 2023, nhóm này sẽ là điểm sáng.
Thứ hai là nhóm ngành mang tính chất chu kỳ rất cao, thông thường đi trước thị trường và nhạy cảm với thị trường là nhóm chứng khoán. Năm 2022, nhiều cổ trong nhóm chứng khoán giảm 60 – 70%.
“Mức định giá tôi hay nhìn là những ngân hàng hay công ty chứng khoán có P/B một số cổ phiếu đã quanh 1 lần, thậm chí đã thấp hơn 1 lần”, chuyên gia TCSC chia sẻ.
Tiếp theo là nhóm ngành khác đi theo như sản xuất, bán lẻ, bất động sản, đồng thời kéo các nhóm VLXD, xây dựng đi theo. Nhóm còn lại đi sau cùng là phòng thủ, khi năm 2022 chỉ giảm khoảng 10%.
Chia sẻ cụ thể, trong nhóm ngân hàng, ông Trung cho rằng, nếu nhà đầu tư lựa chọn khả năng chịu đựng rủi ro cao thì có thể xem cổ phiếu của Sacombank. STB là một trong những ngân hàng chuyên gia TCSC đánh giá khá tốt cho 2023, ngân hàng này cũng mới đưa ra kế hoạch tăng trưởng 100% cho năm 2023. Nếu khả năng chịu đựng rủi ro thấp, nhà đầu tư có thể lựa chọn ngân hàng ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề nợ xấu và trái phiếu như ACB, dĩ nhiên ACB là ngân hàng tập trung vào bán lẻ nên mức độ an toàn sẽ khá cao.
Nhóm chứng khoán có khá nhiều mã, nhưng để đầu tư chuyên gia “gọi tên” vài công ty top đầu như SSI, HCM, VCI, VND là 4 công ty có thị phần cao, tập trung vào hoạt động môi giới mà nhà đầu tư có thể quan sát. Tháng 3/2020, thị trường tạo đáy khi COVID xảy ra. Nhìn lại, có những cổ phiếu chứng khoán tăng gấp 5 – 10 lần trong một chu kỳ từ khoảng tháng 4/2020 đến cuối năm 2021, đó là những cổ phiếu tăng rất mạnh trong chu kỳ mới.
Cuối cùng là nhóm ngành khi giá cổ phiếu giảm khá sâu, những doanh nghiệp không nằm trong nhiều ngành, nhưng có dòng tiền ổn định và trả cổ tức cao khoảng 10 – 20%. Nếu nhà đầu tư ưa thích về dòng tiền đầu tư vào doanh nghiệp đó, tỷ suất cổ tức hàng năm tạo ra khá ổn định. Theo đó, những cổ phiếu ngành điện ông Trung cho rằng khá hấp dẫn để có thể quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư ưa thích dòng tiền, sự ổn định, nhất là trong bối cảnh chưa chắc chắn sẽ ổn định cho năm 2023.
“Đó là những cổ phiếu tôi đề cập nhưng nhà đầu tư phải xem xét, cân nhắc kỹ những doanh nghiệp này, phải phù hợp với khả năng chịu đựng rủi ro, những mục tiêu của mình đề ra để từ đó đưa ra những quyết định”, chuyên gia TCSC chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Founder FinPeace chia sẻ ưa thích ngân hàng thiên về bán lẻ. Chuyên gia này cho rằng, với quy mô dân số lớn, tỷ trọng người dân sử dụng dịch vụ của ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam đang ở mức thấp.
Ông Tuấn Anh ví dụ, một ngân hàng lớn như VCB, số lượng khách hàng cũng chỉ 20 triệu người, trong khi dân số hơn 96 triệu dân, tức là mới chỉ 1/5 dân số có tài khoản tại VCB. Tại Singapore, tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng ở mức cao, hay tại Malaysia tỷ lệ cũng đã là 84%.
Chuyên gia đánh giá, độ rộng tại thị trường ngân hàng bán lẻ đang còn rất lớn. Đương nhiên là khi lựa chọn ngân hàng bán lẻ, khoản đầu tư của ngân hàng đó sẽ rất lớn, nhưng sự ổn định lại rất cao. Khi nhìn nhận vậy, nhóm ngân hàng hay ngân hàng bán lẻ hoàn toàn có thể giải ngân ngay trong giai đoạn đầu năm, kể cả khi thị trường đi xuống, do tính chất phòng thủ của ngân hàng bán lẻ.
Ngoài nhóm ngân hàng, nhóm chứng khoán cũng có nột dư địa tăng trưởng vẫn còn lớn, khi mới chỉ khoảng từ 2-3% dân số có tài khoản chứng khoán.
“Còn nhiều những ngành khá hay, ít người nói đến nhưng tôi quan tâm, ví dụ như than. Than chính là những công ty trả mức cổ tức tiền mặt rất cao. Khi xây dựng danh mục phòng thủ, cần để ý đến những nhóm đặc biệt như vậy. Hay là nhóm điện cũng xuất hiện ở danh mục phòng thủ. Hay doanh thu đột biến hoàn toàn có thể xuất hiện ở những doanh nghiệp xuất khẩu”, chuyên gia FinPeace chia sẻ.