"Ở cái tuổi 66, các bạn có tưởng tượng được, tôi vẫn phải nghĩ về việc làm sao để có tư duy mới mỗi ngày, vì là người đứng đầu doanh nghiệp", bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ bộc bạch.
Dù đã ở rất gần "cái tuổi xưa nay hiếm", nhưng mỗi ngày trôi qua với bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch
PNJ và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch
FPT đều gắn liền với sự đổi mới sáng tạo, cũng như tư duy và cách làm mới.
"Ở cái tuổi 66, các bạn có tưởng tượng được, tôi vẫn phải nghĩ về việc làm sao để có tư duy mới mỗi ngày, vì là người đứng đầu doanh nghiệp", bà Dung nói.
Với Chủ tịch
PNJ, tư duy mới bắt đầu từ việc học tập liên tục không ngừng nghỉ. Càng ở vị trí cao, người lãnh đạo càng phải biết dũng cảm đập bỏ cái cũ, đứng trước đội ngũ nhận ra mình sai, thì đội ngũ kế cận sẽ thấu hiểu và truyền thông xuống bên dưới.
Nhớ lại thời điểm trước năm 2010, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, công ty khi ấy có 142 cửa hàng, là hệ thống bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên
PNJ lại chưa có khái niệm về bán lẻ chuyên nghiệp.
Nhận ra những yếu kém khi đối mặt với các hệ thống bán lẻ liên tục mở rộng và nỗi sợ "tụt hậu" trong một tầm nhìn vươn ra khu vực,
PNJ đã phải thay đổi tư duy, bắt đầu từ chính người lãnh đạo.
"Lúc đó yêu cầu đặt ra là thay đổi hay là chết. Mặt khác, thời gian trước chúng tôi đã thay đổi liên tục nhưng vẫn không hiệu quả. Tôi nhận ra rằng nếu không thay đổi tư duy thì có làm bao nhiêu việc cũng không hiệu quả", bà Dung nói.
Người đứng đầu
PNJ sau đó đã quyết định bỏ ra 1 năm để làm một cuộc cách mạng tư duy cho toàn công ty.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ
Sau khi thống nhất về tư tưởng,
PNJ thuê tư vấn nước ngoài để chuẩn hóa hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế. Từ đây, mọi thứ mới thực sự "chạy" thông suốt và mang đến một
PNJ với diện mạo hoàn toàn mới như hiện nay.
Đồng thời, bà Cao Thị Ngọc Dung cũng không quên giữ thói quen đổi mới cho toàn công ty. Cứ 5 năm,
PNJ lại thực hiện tái cấu trúc một lần.
Tất nhiên, việc liên tục đổi mới cũng đặt ra bài toán cho doanh nghiệp, là làm sao để đổi mới mà vẫn giữ được "nhịp của đoàn tàu". Một bên là thế hệ trẻ với rất nhiều ý tưởng mới mẻ, mang những bài học thực tế. Một bên là công thức thành công của 20, 30 năm.
Với vai trò đầu tàu lãnh đạo, bà Dung cho rằng trách nhiệm của bản thân là ở sự lắng nghe, chia sẻ và tạo điều kiện để hai bên cùng ngồi với nhau, phân tích nguyên nhân và tìm ra điểm chung để cùng đi tới mục tiêu cao hơn.
Lớn hơn bà Dung 1 tuổi, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch
FPT khẳng định: "Hiện tại, tôi vẫn trực tiếp đi bán hàng". Ông cho biết bản thân rất thích làm việc và chưa từng nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi ở tuổi 67.
Một trong những bí quyết giúp ông Bình vẫn say mê với công việc đó là luôn giữ tư duy đổi mới, sáng tạo và biến đó thành văn hóa của toàn tập đoàn.
Ông Trương Gia Bình khẳng định, mỗi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển đều phải làm cái mới. Lãnh đạo doanh nghiệp phải thường xuyên trả lời ba câu hỏi: "Thời gian tới, thị trường thay đổi như thế nào? Đối thủ có hành động gì? Khách hàng mong muốn gì?".
Từ đó, tiếp tục suy nghĩ, "Doanh nghiệp có vị thế ra sao? Công nghệ phải khác như thế nào? Con người thay đổi như thế nào?".
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT
Theo Chủ tịch
FPT, người đứng đầu doanh nghiệp phải luôn đau đáu về chiến lược, tư duy đổi mới và làm gương. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo đổi mới phải có tư duy, hành động mới cũng như khát khao đưa doanh nghiệp hóa hổ, hóa rồng. Từ đó, doanh nghiệp góp phần xây dựng đất nước hùng mạnh.
Trong đó, văn hóa của công ty phụ thuộc vào văn hóa của người đứng đầu. Văn hóa đó nếu được gìn giữ và phát triển thì doanh nghiệp sẽ từng bước thay đổi.
"Tất nhiên, mỗi người lãnh đạo thường chỉ làm tốt một việc, hoặc là chiến lược hoặc là quản trị, hiếm có người làm tốt cả hai. Đó là lý do cần người đồng hành, có thể tranh luận để ra chiến lược tốt", ông Bình nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch
FPT cũng nhấn mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng công nghệ mới với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu… vào quản trị, điều hành.
Trong câu chuyện của ông Trương Gia Bình,
FPT từng xuất phát điểm không vốn, không kinh nghiệm, chỉ có nhiệt huyết của đội ngũ sáng lập đã từng bước đi lên.
"Không phải tự nhiên
FPT thành công. Ước mơ nào cũng phải trả giá. Chúng tôi làm việc chục năm không có ngày nghỉ. Bạn có sẵn sàng trả giá không? Có sẵn sàng đứng đầu sóng, ngọn gió cùng nhân viên để đưa doanh nghiệp vươn tầm quốc tế không? Đất nước chờ đợi doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên toàn cầu, thị trường thế giới mênh mông và tất cả nằm trong tay những người lãnh đạo mới", ông Bình khẳng định.