Có 2 lý do khiến một công ty thất bại sau thời gian tăng trưởng, chính là (i) sự thành công trong quá khứ và (ii) khả năng dẫn dắt đội ngũ thích ứng với sự thay đổi.
Những năm gần đây, loạt biến động từ chiến tranh thương mại, cách mạng 4.0, đại dịch Covid-19 đến suy thoái kinh tế đưa bức tranh kinh doanh toàn cầu sang trang mới. Trong đó, kỷ nguyên “cá lớn nuốt cá bé” đã không còn, được thay thế bởi “cá nhanh nuốt cá chậm”.
Mặt khác, theo khảo sát gần nhất thì có 2 lý do khiến một công ty thất bại sau thời gian tăng trưởng, chính là (i) sự thành công trong quá khứ và (ii) khả năng dẫn dắt đội ngũ thích ứng với sự thay đổi.
Do vậy, việc thay đổi, thích ứng là cực kỳ quan trọng với bất kỳ lãnh đạo cũng như doanh nghiệp nào hiện nay. Đó cũng là chủ đề được các diễn giả, khách mời là chủ doanh nghiệp Việt tham luận tại chương trình giao lưu do Newing tổ chức chiều ngày 10/10/2023.
Là một trong những doanh nghiệp bán lẻ trang sức tiên phong và phát triển mạnh mẽ đến ngày nay, nữ tướng của CTCP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã có những chia sẻ đáng chú ý.
Theo Bà Cao Thị Ngọc Dung, trong suốt hành trình 35 năm, PNJ luôn mang trong mình tư duy đổi mới để phát triển. Bắt đầu từ một doanh nghiệp nhà nước, sau đó cổ phần hóa và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, PNJ liên tục thay đổi để đi cùng phát triển chung của kinh tế và xã hội.
Và trong hàng chục năm thay đổi đó, PNJ theo bà Dung khác mô hình doanh nghiệp nhà nước là luôn tìm cái mới. Song, sự thay đổi mạnh mẽ nhất, có thể gọi là “thức tỉnh” là vào năm 2011, sau khi bà đọc được hai cuốn sách "Dẫn dắt sự thay đổi" của John P. Kotter và "Lãnh đạo sự thay đổi". Lúc bấy giờ, tập thể PNJ đã dành nguyên một năm để đọc, thảo luận và chuẩn bị cho những bước cải tiến có sự đột phá mạnh cho những năm tiếp theo.
Cứ 5 năm PNJ sẽ “nhấn nút F5 Refresh’’, xem lại chiến lược của công ty còn phù hợp hay không và toàn thể các thành viên đều được học hỏi, tái tạo để tạo nên sự sáng tạo, mới mẻ cho doanh nghiệp, bà Dung cho biết thêm.
Thành quả là không năm nào PNJ không vượt kế hoạch, và cũng chưa năm nào PNJ ở trong thế khó bất chấp những biến động. Thống kê thập kỷ qua, chỉ số doanh thu, tài sản của Công ty tăng trưởng đều. Đặc biệt, EPS (hiệu suất đầu tư vào cổ phiếu PNJ) nhảy vọt giai đoạn 2015-2018.
Điển hình mới đây, PNJ đầu tư vào chiến lược điện toán đám mây đã góp phần giúp tăng công suất hệ thống lên tới 500% với chi phí tối ưu, giảm hàng nghìn giờ làm (lãng phí) cho các hoạt động nội bộ, đồng thời tăng năng suất bán hàng lên tới 200%.
Chưa dừng ở đó, PNJ cũng đã chuyển đổi thành công toàn bộ ERP và các hệ thống khác sang điện toán đám mây. Cần nhấn mạnh, ERP từng là “nỗi đau” của PNJ được báo chí nhắc đi nhắc lại thời gian đầu triển khai. Song bà Dung hôm nay nhấn mạnh lúc đó không phải là PNJ thất bại.
Hiện, Cloud còn góp phần mang lại sự hài lòng lớn cho cả khách hàng và nhân viên, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới thông qua việc hệ thống tự động giới thiệu các chương trình khuyến mãi, hệ thống khen thưởng, nền tảng dữ liệu khách hàng, thanh toán không tiếp xúc và hệ thống mPOS,...
Ngoài ra, yếu tố tiên quyết để tái cấu trúc thành công trên quan điểm PNJ, gồm:
+ Thứ nhất phải bắt đầu từ tư duy của người lãnh đạo và đội ngũ. PNJ luôn xác định rõ mục tiêu cho sự thay đổi và giải thích rõ cho tất cả nhân viên của mình thấu hiểu về sự quan trọng, cần thiết cho những sự chuyển đổi.
+ Thứ hai, quá trình chuyển đổi không hề đơn giản mà gặp rất nhiều khó khăn và thử thách, để thành công phải có sự kiên định, quyết tâm, phải là một công ty có văn hóa mạnh. Bởi, chính con người, văn hóa doanh nghiệp, niềm tin đã giúp công ty hài hòa giữa đội ngũ nòng cốt và những nhân sự mới để thích nghi với sự thay đổi.
Tri Túc