Doanh nghiệp lo ngại những chậm trễ trong việc cấp phép môi trường và một số giấy tờ khác, cùng những thay đổi về quy định tài chính, thuế, lãi suất và biến động tỷ giá...
Nhà máy năng lượng Mặt trời nổi đầu tiên tại thành phố miền Đông Nam Piolenc, Pháp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Công ty năng lượng EDF Renewables của Pháp tuyên bố sẽ rút khỏi một dự án năng lượng Mặt Trời ở miền Trung Colombia do sự chậm trễ trong cấp phép, cũng như những thay đổi về quy định và thuế.
Đây là bước thụt lùi mới nhất trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Colombia, trong bối cảnh nhiều dự án năng lượng tái tạo đã bị đình trệ trước đó bất chấp việc Tổng thống Gustavo Petro đặt mục tiêu tiến tới xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch tại quốc gia này.
Trong tuyên bố chính thức, EDF Renewables cho biết doanh nghiệp này cùng các đối tác đã quyết định rút khỏi hoạt động phát triển năng lượng tại nhà máy điện Girardot, thuộc tỉnh Cundinamarca, miền Trung Colombia, do lo ngại những chậm trễ đáng kể trong việc cấp phép môi trường và một số giấy tờ khác, cùng những thay đổi về quy định tài chính, thuế, lãi suất và biến động tỷ giá, sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của dự án trong tương lai. EDF Renewables không tiết lộ thông tin chi tiết về công suất phát điện của dự án hay các khoản mà doanh nghiệp này đã đầu tư cho đến nay.
Cùng ngày, Bộ trưởng Môi trường Colombia Susana Muhammad bày tỏ rất lấy làm tiếc trước quyết định của EDF Renewables và nhấn mạnh những nỗ lực của giới chức môi trường quốc gia nhằm “mở cửa” cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào năng lượng tái tạo. Bà Muhammad thừa nhận rằng các cơ quan hữu quan địa phương đã chậm trễ và thiếu minh bạch trong quy trình cấp phép, đồng thời cho biết đang chuẩn bị trình lên quốc hội nước này một dự luật giúp đẩy nhanh những thủ tục này. Trong khi đó, Bộ Mỏ và Năng lượng Colombia chưa có phản ứng chính thức.
Trước đó, doanh nghiệp Enel của Italy hồi tháng Năm cũng ngừng vô thời hạn việc xây dựng một trang trại phong điện ở tỉnh La Guajira do vấp phải sự phản đối của cộng đồng bản địa và những chậm trễ trong thủ tục cấp phép.
Khó khăn nảy sinh vào thời điểm giá năng lượng ở Colombia tăng cao cùng với sự xuất hiện của hiện tượng khí hậu El Nino, gây ra hạn hán ở quốc gia vốn sử dụng khoảng 70% điện năng từ các nhà máy thủy điện này./.
Mai Phương