Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo trong báo cáo mới nhất về nợ quốc tế rằng các nước nghèo sẽ bị mắc kẹt trong "địa ngục" kinh tế nếu không được xóa nợ.
Trong báo cáo mới nhất về nợ quốc tế được công bố ngày 3/12, Ngân hàng Thế giới cho biết lạm phát tăng cao đã khiến các nước đang phát triển phải gánh khoản chi phí nợ kỷ lục 1,4 nghìn tỷ USD vào năm ngoái. Điều này càng làm nổi bật lên tình trạng bấp bênh mà các nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất thế giới phải đối mặt kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tăng lãi suất để làm chậm đà tăng của giá cả, các nước nghèo vốn đã phải chịu gánh nặng nợ cao đã chứng kiến khoản thanh toán lãi suất cho số tiền mà họ nợ các chủ nợ tăng vọt.
Mức nợ của các nước thu nhập thấp và trung bình đạt mức kỷ lục 8,8 nghìn tỷ USD vào năm 2023.
Lãi suất phải trả cho các khoản vay chính thức đã tăng gấp đôi, lên hơn 4%. Thậm chí, lãi suất phải trả cho các chủ nợ tư nhân còn lên tới 6%, mức cao nhất trong 15 năm qua.
Trong khi số dư gốc giữ nguyên ở mức khoảng 951 tỷ USD, thì khoản thanh toán lãi suất đã tăng vọt lên 406 tỷ USD. Điều đó khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với khủng hoảng tài chính và phải vật lộn để tránh vỡ nợ.
Theo Liên hợp quốc, hơn một chục quốc gia có chủ quyền đã vỡ nợ trong 3 năm qua và hơn 30 quốc gia nghèo nhất thế giới đã trải qua “cơn khủng hoảng nợ”. Theo Fitch Ratings, vào năm 2023, Belarus, Ghana, Lebanon, Sri Lanka và Zambia đều đã vỡ nợ.
Tổng nợ nước ngoài của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đạt mức kỷ lục 8,8 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023, tăng 8% so với năm 2020. Đối với các quốc gia đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), tổng nợ tăng gần 18%, lên mức 1,1 nghìn tỷ USD.
Các tổ chức tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hợp tác với các tổ chức cho vay quốc tế để giúp các nước đang phát triển tái cấu trúc nợ, nhưng quá trình này diễn ra chậm chạp và khó khăn.
Nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của Ngân hàng Thế giới cho biết các ngân hàng phát triển đa phương đang hoạt động như bên cho vay cuối cùng tại các quốc gia nghèo mắc nợ cao, cho dù họ không hề có chức năng hay nhiệm vụ này.
Đáng lưu ý là số tiền mà ngân hàng này và các tổ chức đa phương khác cho các nước nghèo vay lại không được dùng để thúc đẩy phát triển ở các nước này, mà lại chảy ngược ra ngoài để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.
Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất thế giới, đặc biệt miễn cưỡng thay đổi các điều khoản của các khoản vay khi nước này đang vật lộn với những thách thức kinh tế của chính mình.
IMF ước tính rằng nợ công toàn cầu sẽ vượt quá 100 nghìn tỷ USD trong năm nay và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng các nỗ lực giảm nghèo đã bị đình trệ do tăng trưởng yếu ở các quốc gia nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Nhà kinh tế trưởng Indermit Gill đã viết trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới rằng các quốc gia đang phát triển bị mắc kẹt vì gánh nặng nợ của họ khiến việc thu hút đầu tư cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở nên khó khăn.
Ông lập luận rằng các nền kinh tế này xứng đáng được hưởng một số biện pháp bảo vệ giống như những gì các công ty và cá nhân sắp phá sản thường nhận được.
"Đã đến lúc phải đối mặt với thực tế. Các quốc gia nghèo nhất đang phải đối mặt với tình trạng nợ nần cần được xóa nợ nếu họ muốn có cơ hội thịnh vượng lâu dài", ông nhấn mạnh thêm.
Gánh nặng lãi suất đối với các nước đang phát triển đang gia tăng khi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới có thể phải đối mặt với ngã ba đường khi Tổng thống đắc cử Donald J. Trump nhậm chức vào tháng tới.
Văn bản chính sách Dự án 2025, do một số cựu trợ lý Nhà Trắng của ông Trump soạn thảo, kêu gọi Mỹ rút hoàn toàn khỏi Ngân hàng Thế giới và IMF. Mặc dù ông Trump đã chấp thuận tăng tài trợ cho Ngân hàng Thế giới trong nhiệm kỳ tổng thống trước, ông có thể quyết định xem xét lại các ưu tiên viện trợ nước ngoài của Mỹ.
Theo The New York Times
Link gốc