Giá vàng thế giới hôm nay (13/10) quay đầu điều chỉnh trong bối cảnh đồng USD vụt tăng mạnh trở lại mốc 106, sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát ở Mỹ nóng hơn dự kiến. Trong nước, giá vàng không ngừng “toả sáng”. Tuy nhiên, do mức tăng không mạnh bằng vàng miếng SJC nên giá vàng nhẫn vẫn thấp hơn vàng miếng gần 13 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, khoảng 6 giờ 30 ngày 13/10 (giờ Việt Nam), theo Kitco, giá vàng giao ngay ở mức 1,870.59 USD/ounce, giảm 4,91 USD/ounce (-0,26%). Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.881,1 USD/ounce, giảm 1,4 USD.
Do mức tăng không mạnh bằng vàng miếng SJC nên giá vàng nhẫn vẫn thấp hơn vàng miếng gần 13 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới quay đầu điều chỉnh trong bối cảnh đồng USD vụt tăng mạnh trở lại mốc 106, sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát ở Mỹ nóng hơn dự kiến. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng 3,7% so với năm trước, cao hơn mức ước tính đồng thuận là 3,6%. Trên cơ sở hàng tháng, giá tiêu dùng tăng 0,4%, giảm so với mức tăng 0,6% trong tháng 8 nhưng vượt quá kỳ vọng của thị trường là 0,3%. CPI cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động), cũng tăng 0,3% trong tháng và 4,1% trong 12 tháng, phù hợp với kỳ vọng.
Ole Hansen, chiến lược gia hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho rằng vàng đã gặp khó khăn khi áp lực lạm phát cao hơn đang buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giữ lãi suất ở mức hạn chế lâu hơn. Tuy nhiên, Hansen lưu ý mặc dù nhu cầu của nhà đầu tư mờ nhạt nhưng giá vàng đã cho thấy một số sức mạnh phục hồi.
Trong các cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, ông Ole Hansen nói rằng rủi ro kinh tế ngày càng tăng có nghĩa là Fed khó có thể đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% trước khi buộc phải cắt giảm lãi suất.
Theo ông Ole Hansen, môi trường lạm phát đình trệ sắp xảy ra sẽ là điều tích cực cho vàng và có khả năng đẩy giá lên mức cao kỷ lục.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của Ngân hàng Đầu tư Thụy Sỹ UBS nhận định, với việc các nhà đầu tư đang tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn, vàng đã được hưởng lợi ngắn hạn từ sự gia tăng căng thẳng địa chính trị. Trước đây, khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, giá vàng cũng xô đổ mọi kỷ lục khi vươn lên mức 2.000 USD/ounce. Dù vậy, theo chuyên gia này, lãi suất của Mỹ sẽ vẫn là lực cản đối với vàng. Để giá vàng tăng một cách vững chắc, thị trường cần phải thấy Fed đưa ra quan điểm ôn hòa hơn trong suốt năm 2024.
Trong nước, giá vàng không ngừng “toả sáng”. Cụ thể, giá vàng nhẫn tăng thêm 200.000 đồng/lượng, giao dịch ở mức 56,55 - 57,55 triệu đồng/lượng.
Còn giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng từ 250.000 - 450.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, chính thức vượt ngưỡng 70 triệu đồng/lượng, mức cao nhất kể từ đầu năm.
Hiện, giá vàng miếng tại một số hệ thống kinh doanh được niêm yết như sau: Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 69,60 – 70,32 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji niêm yết tại 69,45 – 70,35 triệu đồng/lượng; Hệ thống PNJ niêm yết tại 69,65 – 70,35 triệu đồng/lượng; Bảo tín Minh Châu niêm yết tại 69,68 – 70,33 triệu đồng/lượng.
Tính chung, trong khoảng 3 tháng gần đây, giá vàng miếng đã tăng khoảng 3 triệu đồng/lượng và đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi gần 15 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng nhẫn gần 13 triệu đồng/lượng.
Việc giá vàng miếng SJC tăng quá mạnh được giới phân tích lý giải là do nguồn cung vàng miếng SJC khá khan hiếm vì từ lâu không được sản xuất thêm. Do nguồn cung không dồi dào nên chỉ cần lực mua nhỏ là giá vàng miếng SJC lập tức bị đẩy lên. Trong khi đó, nhu cầu mua vàng nhẫn nhiều hơn nhưng do nguồn cung khá dồi dào nên giá vàng nhẫn cũng không tăng mạnh.