Nằm trong chuỗi các hoạt động của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2023, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII với chủ đề “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp” vừa được tổ chức ngày 12/10 tại Hà Nội.
Diễn đàn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam tổ chức. Đây là lần thứ VIII Công ty CP Phân bón Bình Điền là nhà tài trợ chính và đồng tổ chức thực hiện diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch BCH TW Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII với chủ đề “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”
Xu thế tất yếu, khách quan
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu hướng tất yếu khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Theo ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch BCH TW Hội Nông dân Việt Nam, những năm qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần giúp cho ngành nông nghiệp trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; vận động, định hướng, giúp sức cho việc thành lập và phát triển hợp tác xã là một trong những nhiệm vụ trung tâm của Hội Nông dân Việt Nam.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn
Nhiều thành quả, nhưng cũng còn nhiều khó khăn
Đến hết năm 2022, các cấp hội nông dân trong cả nước đã vận động, hướng dẫn thành lập được hơn 22 ngàn mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, trong đó có 2.398 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và gần 20 ngàn tổ hợp tác nông nghiệp. Doanh thu hằng năm bình quân trên 5,5 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận 350 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Doanh thu của các tổ hợp tác đạt trên 400 triệu đống/tổ/năm, lợi nhuận đạt trên 41 triệu đồng/tổ/năm.
Nhiều HTX có quy mô sản xuất kinh doanh khá lớn, như: HTX Tân Phát Lợi (Ngọc Hiển, Cà Mau) đang tham gia liên kết với các hộ nông dân để nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng 550 ha, chế biến các mặt hàng thủy sản như cá khô, tôm khô các loại với số lượng lớn. HTX trồng và sản xuất măng tre Thành Tâm (Bình Phước) có quy mô hơn 20 ha, sản lượng măng tre thành phẩm tươi đạt 750 tấn/năm, măng khô 650 kg/năm. HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Bình Dương) trồng dưa lưới, thu lời 45 tỷ đồng/năm. HTX sản xuất dịch vụ Tấn Đạt (Vĩnh Long) có vùng nguyên liệu trồng lúa hữu cơ 100 ha trong đó 30 ha đạt chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế là Mỹ, Nhật, Châu Âu và Canada, hàng được xuất khẩu chủ yếu vào các quốc gia khó tính. HTX dịch vụ nông nghiệp Hùng Thơm (Gia Lai) ký hợp đồng liên kết với hơn 100 hộ nông dân trồng chanh dây với tổng diện tích trên 100ha, và 30 ha chanh dây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. HTX Khiết Tâm (Cần Thơ) có 8 thành viên, diện tích trồng lúa 340 ha, cung ứng ra thị trường 600 đến 1.000 tấn lúa giống xác nhận...
Nhiều HTX mới thành lập thu hút thành viên trẻ sáng lập, mạnh dạn tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến, vốn, tín dụng dồi dào, gắn với phương thức sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, liên kết tốt với nhiều hình thức mới.
Tuy vậy, khu vực kinh tế tập thể, HTX đang chịu ảnh hưởng của biến động thị trường: Thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng. HTX chậm đổi mới, chậm chuyển đổi số, chậm ứng dụng khoa học kỹ thuật. Cơ chế, chính sách, nguồn vốn hỗ trợ khu vực HTX còn chưa hợp lý so với tính chất của mô hình HTX. Số HTX tiếp cận được các chính sách của nhà nước về hỗ trợ tín dụng, giao đất, cho thuê đất, về phát triển kết cấu hạ tầng... còn ít, do hạn chế nguồn kinh phí. Năng lực, kinh nghiệm của bộ máy quản lý nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ cho HTX chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực quản trị của lãnh đạo HTX còn hạn chế, chưa thật sự chủ động, minh bạch, chưa dựa vào và phục vụ thành viên.
Những ý kiến của nông dân xuất sắc, HTX tiêu biểu tại diễn đàn nhấn mạnh vào những khó khăn, vướng mắc, ách tắc mà HTX nông nghiệp đang gặp phải, cần được tháo gỡ, như khó tích tụ được đất đai, đăng ký mã số vùng trồng, khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nói chung, nhất là gói lãi suất ưu đãi, nạn hàng gian, hàng giả, sự cạnh tranh không lành mạnh làm nản lòng người sản xuất chân chính... đều được các bộ, ban, ngành, ngân hàng nhà nước trả lời thấu đáo.
Tập trung thực hiện 3 vấn đề cốt lõi
Kết luận Diễn đàn, Chủ tịch BCH TW Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nêu lên 3 vấn đề cốt lõi để phát triển hợp tác xã.
Một là phải xây dựng cho được vùng nguyên liệu. Nếu không có vùng nguyên liệu thì không có HTX, HTX không thể mang tính chất dẫn dắt, kết nối nông dân với nhau cũng như kết nối giữa các địa phương với nhau. Quy mô sản xuất nhỏ thì khó phát triển mạnh mẽ được.
Hai là phải có chính sách bảo hiểm cho vùng nguyên liệu; nếu không thì xảy ra rủi ro sẽ vỡ ngay. Bảo hiểm sẽ giúp nông dân yên tâm sản xuất, khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của sản phẩm, không để tình trạng dẫm chân lên nhau, hoặc cạnh tranh không lành mạnh, làm mất đi lợi thế của vùng nguyên liệu.
Ba là phải đào tạo cho dược đội ngũ cán bộ quản trị HTX có đủ năng lực, tầm nhìn, khả năng quan hệ để tổ chức sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.
"TW Hội mong muốn nông dân xuất sắc hằng năm sẽ là hạt nhân dẫn dắt, phát triển hợp tác xã, làm nòng cốt thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, dẫn dắt nông dân", Chủ tịch Ủy ban TW Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.