• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
08 Tháng Mười Một 2024 11:48:01 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp dệt may bao giờ khởi sắc trở lại khi còn nhiều yếu tố bất lợi?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 20/10/2023 8:37:15 SA

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trong quý cuối cùng của năm 2023 liệu có khởi sắc hơn hay không vẫn đang là một dấu hỏi lớn khi còn nhiều yếu tố bất lợi, nhất là các thị trường xuất khẩu chính yếu chưa hồi phục như kỳ vọng. Trong khi đó, kết quả doanh thu và lợi nhuận quý 3/2023 của một số doanh nghiệp nội địa tiêu biểu ở ngành hàng này vẫn ì ạch để có thể tạo động lực cho thời gian tới.

Đơn cử như CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), kết quả kinh doanh quý 3/2023 công bố vào ngày 19/10 cho thấy doanh thu thuần sụt giảm 27% so cùng kỳ năm trước, về mức 377,6 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm mạnh hơn với 39% về còn gần 56 tỷ đồng.

Kỳ vọng chuyển biến tích cực giữa lúc lợi nhuận lao dốc

Theo giải trình của STK, lợi nhuận sụt giảm chủ yếu do doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ do các khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng là chính yếu.

Tính lũy kế 9 tháng 2023, doanh thu thuần của Sợi Thế Kỷ vẫn tiếp tục giảm hơn 36% về còn 1.073 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lao dốc 72% so cùng kỳ, chỉ đạt 55,7 tỷ đồng.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trong quý cuối cùng của năm 2023 liệu có khởi sắc hơn hay không vẫn đang là một dấu hỏi lớn khi còn nhiều yếu tố bất lợi. 

Trong khi đó, với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tính riêng quý 3/2023 được công bố mới đây cho thấy doanh thu đạt 4.321 tỷ đồng, lãi trước thuế 71 tỷ đồng, giảm lần lượt 6% và 65% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng 2023, doanh thu của tập đoàn này đạt khoảng 12.425 tỷ đồng và lãi trước thuế 244 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 79% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy sụt giảm doanh thu và lợi nhuận như vậy, nhưng ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, cho rằng xu hướng thị trường quý 4/2023 có những chuyển biến tích cực khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất trong tháng 9/2023 mà lùi xuống cuối năm, thị trường Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt.

Còn theo kỳ vọng của ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan Tp.HCM, trong quý 4/2023 tình hình sẽ khởi sắc hơn khi nhu cầu mua sắm đã trở lại. Đơn hàng của các DN dệt may đã bắt đầu ấm dần lên dù thị trường xuất khẩu (XK) chưa đạt mục tiêu như những năm trước.

Mong mỏi chung của các DN dệt may Việt Nam hiện nay cho quý 4/2023 và đầu 2024 là nhu cầu hồi phục tại các thị trường chính. Cộng với đó là lãi suất giảm làm giảm gánh nặng lãi vay.

Gần đây, trong báo cáo cập nhật ngành dệt may của Công ty chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã kỳ vọng các đơn đặt hàng sẽ tăng trở lại nhờ vào nhu cầu tại thị trường Mỹ hồi phục. Điều này dựa vào lượng hàng tồn kho may mặc tại Mỹ mặc dù duy trì ở mức cao nhưng đã giảm nhẹ so với đầu năm, niềm tin người tiêu dùng Mỹ tăng trở lại, lạm phát Mỹ duy trì đà giảm tích cực.

Vẫn đối mặt nhiều yếu tố bất lợi

Xét về thị trường XK dệt may thì Mỹ hiện vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm đến 43,8% thị phần của ngành dệt may. Thời gian qua thị trường này giảm sâu do nhu cầu sụt giảm. Trong 9 tháng 2023, Mỹ chi hơn 11 tỷ USD nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, giảm đến 20,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình XK dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ hồi tháng 9/2023 vẫn chưa thấy dấu hiệu cải thiện, đạt kim ngạch hơn 1,01 tỷ USD, giảm đến 34% về trị giá so với tháng 8/2023. 

Đứng sau Mỹ là các thị trường có thị phần lớn như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm mạnh về kim ngạch trong các tháng qua. Tuy vậy, theo giới phân tích, XK dệt may vào khối thị trường các nước có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Canada, Australia, New Zealand lại trở thành điểm sáng khi ghi nhận có sự tăng trưởng. 

Không chỉ vậy, trong khó khăn nhiều DN dệt may đã mở được những thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông, góp phần giúp cho kim ngạch XK không bị giảm sâu trong bối cảnh sức cầu trên thị trường giảm mạnh. Đơn cử trong 9 tháng 2023, XK dệt may sang Mozambique đạt hơn 15,8 triệu USD, tăng hơn 5.000% so với cùng kỳ năm 2022, là thị trường ghi nhận mức tăng mạnh nhất, tuy nhiên thị phần chỉ chiếm chưa đến 1%.

Đáng lưu ý là XK dệt may sang thị trường EU vẫn chưa phục hồi như mong đợi. Hồi tháng 9/2023, XK dệt may vào thị trường này ước đạt 315,7 triệu USD, giảm 2,7% so với tháng 8/2023 và giảm 9,6% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng 2023, XK dệt may vào EU đạt hơn 2,9 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2022. Theo dự báo XK dệt may của Việt Nam vào thị trường này trong các tháng cuối năm nay sẽ vẫn ở mức thấp khi nhiều yếu tố của nền kinh tế EU vẫn cho thấy dấu hiệu ảm đạm.

Từ việc sụt giảm kim ngạch XK ở các thị trường chính yếu sẽ thấy việc sa sút doanh thu và lợi nhuận của các DN dệt may Việt Nam trong quý 3 và trong 9 tháng 2023 là khó tránh khỏi. Chưa kể, các DN này đang chịu sức ép cạnh tranh về giá từ quốc gia đối thủ, sự suy giảm của nền kinh tế thế giới, khủng hoảng địa chính trị lan rộng, hành vi người tiêu dùng thay đổi, chịu chi phí đầu vào tăng cao với chi phí năng lượng, điện và có những giai đoạn còn phải chịu áp lực gánh nặng lãi vay do môi trường lãi suất cao...

Không những vậy, các DN trong ngành còn đối mặt với rủi ro chi phí nhân công tăng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến DN thâm dụng lao động và có biên lợi nhuận mỏng như các DN dệt may nội địa.

Những yếu tố bất lợi với DN dệt may được cho là sẽ còn kéo dài trong quý 4/2023 và cho đến năm 2024. Điều này đòi hỏi các DN phải cân nhắc thận trọng khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Còn trước mắt, điều mà các DN dệt may cần làm trong lúc này là tiếp tục bám sát và phát triển thị trường, đổi mới phương thức quản trị, tham gia vào việc tìm nguồn cung ứng cho các yếu tố đầu vào và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị; mạnh dạn chuyển đổi và sản xuất những mặt hàng mới… Để từ đó có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận và đón đầu cơ hội khi nhu cầu may mặc tại các thị trường lớn quay trở lại.

Thế Vinh