Hàng loạt công ty phát điện trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh khá tiêu cực với lợi nhuận giảm nhanh, thậm chí một số đơn vị lớn như Nhiệt điện Phả Lại, Nhơn Trạch 2 còn báo cáo lỗ đậm.
Nhiệt điện lỗ đậm
Các công ty phát điện lớn trên sàn chứng khoán mới đây công bố kết quả kinh doanh quý III khá bi quan. Nhiều công ty thủy điện sụt giảm mạnh về lợi nhuận, thậm chí một số công ty nhiệt điện còn ghi nhận những mức lỗ nghiêm trọng.
Theo báo cáo tài chính, Nhiệt điện Phả Lại (mã: PPC), sản lượng điện bán ra trong quý tăng, giúp doanh thu tăng. Tuy nhiên, sản xuất điện tốn kém hơn cùng kỳ do chi phí nhiên liệu, vật liệu và chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định tăng, khiến riêng hoạt động sản xuất điện lỗ hơn 117 tỷ đồng.
Nhờ khoản doanh thu tài chính 184 tỷ đồng (chủ yếu là cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết) nên Nhiệt điện Phả Lại đã thoát lỗ. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế đạt 84 tỷ đồng trong quý III, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp nhiệt điện này ghi nhận doanh thu tăng gần 15% lên trên 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận gộp giảm 74%, xuống 35 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tài chính khủng (tăng 25%, lên 328 tỷ) nên công ty báo lãi ròng 285 tỷ, chỉ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) còn công bố số liệu tiêu cực hơn với mức lỗ kỷ lục 124 tỷ đồng trong quý III. Kết quả này đến từ việc doanh thu sụt giảm 62% so với cùng kỳ năm trước, về mức 816 tỷ đồng, khiến công ty có quý kinh doanh dưới giá vốn nặng nhất kể từ khi niêm yết (năm 2015).
Công ty lý giải doanh thu sản xuất điện giảm đáng kể do nhà máy phải dừng để tiến hành đại tu từ ngày 7/9. Điểm tích cực là doanh thu tài chính gấp 17 lần cùng kỳ, đạt 35 tỷ đồng và không còn phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hàng trăm tỷ đồng như năm ngoái.
Sau 9 tháng kinh doanh, Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 báo cáo doanh thu thuần đạt 5.182 tỷ và lợi nhuận sau thuế gần 256 tỷ, giảm lần lượt 24% và 65% so với cùng kỳ. Kết quả này tương ứng hoàn thành 62% chỉ tiêu doanh thu và 54% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Công ty Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) cũng chứng kiến giá vốn kinh doanh tăng vọt trong quý vừa qua, từ đó ghi nhận mức lỗ sau thuế gần 2,4 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1,4 tỷ đồng). Kết quả này khiến lợi nhuận sau 9 tháng giảm 24%, còn gần 15 tỷ đồng.
Đại diện công ty lý giải do thực hiện đại tu theo kế hoạch với tổ máy số 4 từ ngày 15/8-30/9 làm giảm doanh số cố định và kéo lùi lợi nhuận sản xuất điện, dẫn đến thua lỗ trong kỳ.
'Ông lớn' trong lĩnh vực phát điện là Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power - POW) dù chưa công bố báo cáo tài chính nhưng trước đó cũng ước tính lỗ trước thuế 47 tỷ đồng. Đây có thể là quý lỗ đầu tiên của đại gia điện khí này kể từ khi lên sàn.
Lãnh đạo của PV Power cho biết, những tháng đầu năm gặp nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, như: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào (than, khí); sự lệch pha giữa nhu cầu điện và khả năng cấp khí; giá nguyên, vật liệu sản xuất tăng cao làm gia tăng chi phí tài chính và ảnh hưởng của El Nino đến hoạt động của các nhà máy thủy điện..
Thủy điện cũng trượt dốc
Các công ty thủy điện cũng trong tình cảnh "kém sắc" như Đầu tư Điện lực 3 (PIC) báo lỗ do thời tiết khiến hai nhà máy thủy điện của công ty (Thủy điện Đăk Pône và Đa Krông 1) phát điện không thuận lợi. Doanh thu giảm 25% còn 17 tỷ đồng và lỗ sau thuế 2 tỷ đồng. Đây là lần lỗ trở lại sau 2 năm.
Thủy điện Hủa Na (HNA) chứng kiến doanh thu sụt mạnh 45% trong quý vừa qua, chỉ còn 237 tỷ đồng, do lưu lượng nước về hồ chỉ bằng 68% so với cùng kỳ nên sản lượng điện phát thấp hơn. Kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm hơn 60% xuống còn 106 tỷ đồng.
Lãi quý III đi lùi còn ghi nhận đối với các doanh nghiệp thủy điện khác như Thủy điện Nước Trong (NTH), Thủy điện Thác Bà (TBC), Đầu tư và Phát triển Điện miền Trung (SEB), Thủy điện Srok Phu Miêng IDICO (ISH), Thủy điện A Vương (AVC), Đầu tư và Phát triển Điện miền Bắc 2 (Nedi2 - ND2)...
Đáng chú ý, Thủy điện Thác Bà ghi nhận mức suy giảm lợi nhuận mạnh mẽ 78% xuống còn 23 tỷ đồng, mức thấp nhất từ 2020 đến nay. Lãnh đạo công ty giải trình do thủy văn không thuận lợi nên sản lượng điện bị giảm 1,4 triệu kWh, do đó doanh thu bị giảm từ 190 tỷ cùng kỳ về mức 82 tỷ đồng.
Thủy điện A Vương tương tự có mức giảm 73% về lợi nhuận trong quý III, chỉ còn 49 tỷ đồng. Đơn vị cũng giải trình do yếu tố thời tiết khiến lượng nước về không tốt, sản lượng điện thấp dẫn đến doanh thu thấp hơn cùng kỳ.
Công ty Đầu tư và Phát triển Điện miền Trung (SEB) nói do lượng nước về hồ ít nên cả hai nhà máy chính đều đạt sản lượng thấp. Doanh thu giảm 34%, còn 43 tỷ đồng và lợi nhuận thậm chí giảm phân nửa so với cùng kỳ, về mức 16 tỷ đồng.
Huy Lê