Thái Lan đặt mục tiêu hỗ trợ 10.000 startup trong lĩnh vực nông nghiệp và dược phẩm đến cuối năm 2027, qua đó thúc đẩy mục tiêu đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp.
Trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia, giám đốc điều hành của Cơ quan Đổi mới Quốc gia Thái Lan (NIA) Krithpaka Boonfueng cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa số lượng các công ty đổi mới cũng như cải thiện đáng kể hiệu quả của nền kinh tế Thái Lan”.
Thái Lan đang tập trung mọi nguồn lực cho đổi mới công nghệ. Nguồn: Nikkei Asia.
Thái Lan đang tập trung mọi nguồn lực cho đổi mới công nghệ. Nguồn: Nikkei Asia.
Bắt đầu triển khai vào năm 2024, kế hoạch này được kỳ vọng sẽ giúp “xứ sở chùa vàng” hoàn thành mục tiêu mở rộng và nâng tầm doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả các startup (doanh nghiệp khởi nghiệp).
Để kế hoạch được tiến hành thuận lợi, chính phủ Bangkok dự định sẽ cung cấp 138 triệu USD cho NIA nhằm giúp cơ quan này có thể tiến hành các khoản đầu tư hoặc hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực chính là: nông nghiệp, y tế, du lịch, năng lượng, bao gồm xe điện, với hơn 1.500 dự án mới.
Thông qua những hỗ trợ này, ông Krithpaka không hề giấu giếm tham vọng của Thái Lan trong việc trở thành một trong 30 cường quốc hàng đầu thế giới về đổi mới công nghệ vào năm 2030.
Hiện, Bangkok đang xếp thứ 43 trong bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới. Một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng góp mặt trong danh sách này như Singapore đứng vị trí thứ 5 và Malaysia đứng thứ 36.
Tuy vậy, nền kinh tế Thái Lan cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong đổi mới công nghệ do tư tưởng bảo thủ vẫn đang chiếm đa số trong xã hội.
Cụ thể, tháng 2/2022, việc thắt chặt các hạn chế đối với tiền điện tử của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan do lo ngại về bất ổn tài chính đã khiến sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất nước này Bitkub không thể phát huy được toàn bộ tiềm năng phát triển cũng như phải xem xét lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình.
Tùng Lâm