Gia Lai đang có triển vọng phát triển logistics khi được đánh giá có vị trí quan trọng trong quốc phòng an ninh và kinh tế, và được giới doanh nhân, nhà đầu tư đánh giá cao.
Đây là một nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày 24/10, do Bộ Công thương phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức.
Sau một ngày khảo sát cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, quy hoạch Trung tâm cảng cạn ICD ở huyện Mang Yang, các đại biểu đều thống nhất, tỉnh Gia Lai được coi là đầu mối giao thương vùng Tây Nguyên với các nước Campuchia, Myanmar, Thái Lan. Có vị trí quan trọng trong quốc phòng an ninh và có hệ thống giao thông kết nối với các cảng biển trong khu vực Duyên hải Trung và Đông Nam Bộ. Do đó, đây cũng là nơi thu hút đầu tư các trung tâm logistics, kho ngoại quan, kho hàng hóa chuyên dùng và các dịch vụ logistics phù hợp với ngành hàng sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phù hợp với quy hoạch khu công nghiệp, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.
Điều này phù hợp với nhìn nhận của ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai “Gia Lai với vị trí là trung tâm của khu vực Tây Nguyên, cần đóng vai trò quan trọng và đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, không chỉ để phục vụ tỉnh mà còn đáp ứng nhu cầu của cả khu vực.”
Đoàn công tác của Bộ Công thương cùng các doanh nghiệp khảo sát quy hoạch trung tâm Logistics tại huyện Mang Yang
Các đại biểu tham dự hội nghị đã bàn luận về xu hướng phát triển ngành logistics trong tương lai, một số giải pháp, định hướng trong công tác quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng logistics đối với tỉnh Gia Lai. Các giải pháp đầu tư phát triển logistics phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử. Một số kinh nghiệm và đề xuất trong kế hoạch phát triển logistics của tỉnh Gia Lai. Giới thiệu mô hình logistics hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp. Công tác lập quy hoạch, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh đối với hoạt động, dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh. Định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, nhu cầu các dịch vụ logistics, hỗ trợ xuất khẩu của doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Gia Lai.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Hữu Quế - Phó CHủ tịch UBND tỉnh cho hay “sản xuất nông nghiệp là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trên địa bàn cũng đã hình thành và phát triển nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng đến 40 quốc gia trên thế giới… Do đó, địa phương cần thúc đẩy phát triển là ngành logistics và nhu cầu về logistics, đặc biệt là các dịch vụ logistics hỗ trợ bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản.”
Đại diện các bộ, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam cũng đã góp ý để tỉnh Gia Lai có định hướng phát triển ngành logistics trong tương lai. Ngoài ra, địa phương cần có một số giải pháp, định hướng trong công tác quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng logistics. Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị “tỉnh Gia Lai cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Đồng thời phải dựa vào các nghị quyết, chính sách, chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ có liên quan đến vùng Tây Nguyên để làm căn cứ hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics. Bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.”
Tỉnh Gia Lai cũng đã triển khai Kế hoạch số 1130 ngày 17/5/2023 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội. Đồng thời ưu tiên ngân sách để làm “vốn mồi” dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển hạ tầng logistics. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics phục vụ nông sản thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0 – quản lý số, kinh tế số, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí phù hợp./.