Các lớp đào tạo chứng khoán tự phát thường nhắm đến những nhà đầu tư mới và thiếu kinh nghiệm
Vài năm gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân tự nhận là chuyên gia chứng khoán, có kinh nghiệm đầu tư, thường tung các clip, livestream (phát trực tiếp) nhận định thị trường, phân tích cổ phiếu trên các trang mạng xã hội.
Từ đó, họ chào mời nhà đầu tư tham gia các hội nhóm trên Zalo, Telegram... để nghe tư vấn hoặc giới thiệu các lớp học về đầu tư chứng khoán. Học phí có đủ các mức, từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.
Đủ kiểu dạy chứng khoán
Bên cạnh những lớp học bổ ích, trang bị được nhiều kiến thức thì nhiều nhà đầu tư nhận ra không ít lớp học có chất lượng rất thấp, mở ra để thu phí, thậm chí dụ học viên mua bán cổ phiếu theo ý đồ của người dạy.
Chị T.T.B, nhà đầu tư trẻ tại TP HCM, cho biết khá thất vọng khi tham gia một khóa học chứng khoán sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội. "Tôi đã tham gia một lớp học do một người môi giới chứng khoán tổ chức với số tiền vài triệu đồng và thấy rất thất vọng. Bài vở thì không rõ ràng, người dạy lại không có nhiều kinh nghiệm thực tế. Tôi mất thời gian và tiền bạc mà không học được gì" - chị B. than phiền.
Anh L.Q.C (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) muốn tham gia đầu tư chứng khoán để kiếm thêm thu nhập nên đã tìm đến lớp học sau khi xem "thầy" phân tích trên mạng xã hội. "Tôi thấy quảng cáo trên mạng nên đăng ký học. Tuy nhiên, kiến thức của người dạy không có bao nhiêu, chủ yếu là phân tích biến động cổ phiếu rồi chỉ dẫn học viên để kiếm lời nhanh chóng" - anh C. nhớ lại.
Nhiều chuyên gia, nhân viên tư vấn chứng khoán đang dựa vào các trang mạng xã hội để thu hút nhà đầu tư Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trước đó, giai đoạn năm 2021 và nửa đầu 2022, khi thị trường chứng khoán sôi động, ông A. được cộng đồng mạng tung hô khi nói về các cổ phiếu bất động sản. Ông phân tích cổ phiếu nào thì mã đó tăng giá "điên cuồng", khiến tiếng tăm của "thầy" càng nổi.
Thời kỳ hoàng kim, ông A. mở lớp phân tích cổ phiếu có phí tới 200 triệu đồng/khóa vẫn đông nghẹt người tham gia. Tuy nhiên, sau này, có những học viên tham gia lớp học cho biết nội dung các buổi học cũng chẳng khác gì ông A. chia sẻ trên mạng xã hội, chủ yếu nói về tiềm năng của các cổ phiếu bất động sản.
Trong cơn say của thị trường, nhiều học viên và nhà đầu tư khác đã mua cổ phiếu với số lượng lớn hơn. Khi giá cổ phiếu bất động sản liên tục thiết lập đỉnh mới rồi đột ngột "đổ đèo", hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhà đầu tư lỗ nặng trong nửa cuối năm 2022.
Xử lý nghiêm tình trạng dạy trá hình
Theo TS Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật thương mại - Trường ĐH Luật TP HCM, cần xác định việc mở lớp đào tạo đầu tư chứng khoán có 2 dạng. Một là, đào tạo để có chứng chỉ hành nghề - phải do các tổ chức đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện. Nếu không có đủ các điều kiện thì việc đào tạo là trái luật, cần phải xử lý.
Hai là, đào tạo theo kiểu cung cấp thêm thông tin, kiến thức cho nhà đầu tư để có thể đọc được báo cáo tài chính, phân tích tình hình thị trường... thì pháp luật không cấm mà còn khuyến khích để hỗ trợ nhà đầu tư. Tuy nhiên, người học cần phân biệt những người mở lớp để cung cấp kiến thức với những người mở lớp nhưng chủ yếu để "lùa gà", lôi kéo nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm mua, bán cổ phiếu theo sự giật dây.
TS Nam cho rằng những lớp học trá hình cần phải được xử lý. Bởi lẽ, việc lôi kéo học viên mua, bán cổ phiếu nào đó chính là góp phần dẫn đến biến động trên thị trường, thậm chí phục vụ theo ý đồ của các nhà đầu tư "cá mập". Điều này làm cho thị trường chứng khoán phát triển một cách méo mó.
Chuyên gia này cũng chỉ ra tình trạng các nhà đầu tư chưa có nhiều kiến thức thường phụ thuộc hoàn toàn vào người đứng đầu (leader) của hội, nhóm trên mạng xã hội. Họ cùng nhau mua, bán một hoặc vài cổ phiếu theo lời hô hào mà không biết nhiều về tình hình doanh nghiệp hay lý do gì.
Hậu quả là mỗi khi thị trường điều chỉnh hoặc sụt giảm, nhà đầu tư cá nhân thường bị thua lỗ nặng hoặc "kẹp" cổ phiếu vì mua ở vùng đỉnh theo lời hô hào ở hội nhóm, thậm chí mua theo lời khuyên của chính "thầy" dạy mình. Còn những trưởng nhóm hay "thầy" dạy thường lẫn tránh trách nhiệm hoặc coi như chưa có gì xảy ra.
"Cần tăng cường tuyên truyền để nhà đầu tư thấy được bản chất của việc "lùa gà" theo hình thức mở lớp. Bên cạnh đó, phải xử lý vi phạm nếu phát hiện các "thầy lùa" trục lợi từ học viên. Bởi lẽ, việc này được coi là cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán" - TS Nam phân tích.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh - một chuyên gia tài chính chứng khoán lâu năm, từng tham gia dạy phân tích đầu tư chứng khoán - cho rằng việc chia sẻ kiến thức theo kinh nghiệm không chỉ trong chứng khoán mà bất cứ ngành nghề nào cũng có; đòi hỏi phải có bằng cấp, chứng chỉ giảng dạy thì hơi khó.
Tuy nhiên, ông nhất trí rằng việc dạy đầu tư chứng khoán hay bất cứ ngành nghề nào cũng cần được quản lý để tránh tình trạng bát nháo, không kiểm soát được chất lượng. Việc quản lý như thế nào thì rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Trước mắt, theo ông Khánh, nhà đầu tư bỏ tiền ra học cần biết mình học ai, trình độ, kinh nghiệm thế nào để hạn chế tình trạng bỏ ngỏ chất lượng hoặc không nhằm mục đích được đào tạo kiến thức mà chỉ để phục vụ những ý đồ khác của người dạy.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng Khoa Tài chính doanh nghiệp - ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng không có cơ sở nào để cấm dạy đầu tư chứng khoán, kể cả khi đó là chuyên gia độc lập hay nhân viên môi giới, tư vấn ở các công ty chứng khoán. Việc cần bàn là phải xem trình độ và kiến thức mà họ truyền đạt có chuẩn không. Muốn vậy thì ngay từ đầu, cơ quan chức năng nên xem xét chất lượng, nội dung giảng dạy, cập nhật thông tin chuẩn... để các bên cùng thực hiện.
"Khi thị trường chứng khoán sôi động, nhà nhà dạy, người người học vì đó là nhu cầu, còn hiệu quả thế nào là do chính nhà đầu tư đánh giá, sàng lọc. Ở nước ngoài, người đi dạy đầu tư tài chính có nền tảng thị trường rất tốt nên họ tự hào về sức mạnh, năng lực của mình. Còn ở Việt Nam, những người chỉ có chút kinh nghiệm, đi góp nhặt kiến thức trong vài quyển sách đã có thể dạy và thu tiền thì nhà đầu tư cần cân nhắc... Dẫu biết tiền nào của đó nhưng người học cần tìm hiểu kỹ, tỉnh táo lựa chọn người dạy, nếu không thì sẽ thiệt hại trước khi đầu tư" - TS Lê Đạt Chí nhìn nhận.