Tỉnh Bình Dương đã và đang nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển linh hoạt giữa kinh tế số và kinh tế xanh nhằm bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện hữu.
Bình Dương là mắt xích quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Những năm gần đây, tỉnh có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của vùng, đặc biệt là tứ giác TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, Bình Dương được mệnh danh là thủ phủ công nghiệp, tỉnh này hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 13.000ha và đang khẩn trương thành lập khu công nghiệp khoa học - công nghệ tại huyện Bàu Bàng do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại...
Hiện Bình Dương đang là điểm đến của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ 3 cả nước, nhiều mô hình doanh nghiệp đang được nhân rộng ra các địa phương.
Thực tế cho thấy, việc Bình Dương tăng cường đầu tư vào số hóa và từng bước chuyển đổi số, góp phần đáng kể cải thiện việc sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp, nâng cao năng suất, tăng khả năng phân tích, xử lý thông tin, giảm chi phí và thúc đẩy phân công lao động.
Theo Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, kinh tế số và kinh tế xanh đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định. Việc ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để thúc đẩy phát triển, nhất là trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải mạnh dạn đổi mới nhưng cũng không quá mạo hiểm đánh đổi yêu cầu phát triển xanh và bền vững.
“Vấn đề là, tỉnh Bình Dương phải biết nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ và dấn thân để tìm hướng đi đúng đắn. Đó là lý do mà Tổng Công ty Becamex IDC lựa chọn cả hai trong chiến lược phát triển của mình và tạo nền tảng vững chắc cho định hướng phát triển của Bình Dương", Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tương tự, ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương cho biết, chuyển đổi số cải thiện mức độ tăng trưởng xanh của các doanh nghiệp nhờ ý thức, trách nhiệm của người lao động, công nghệ, khả năng đầu tư trang thiết bị, máy móc chất lượng cao để giảm khí thải ô nhiễm, thân thiện với môi trường và bảo đảm tốt đời sống người lao động.
"Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng và xác định lộ trình chuyển đổi số phù hợp với thực tiễn, khả năng của mình", ông Tín nhấn mạnh.
Việc Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển linh hoạt giữa kinh tế số và kinh tế xanh là phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Theo Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2030, Kế hoạch xác định tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Đồng thời, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Mục đích của Kế hoạch là cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Cụ thể trong việc thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh phù hợp với tỉnh Bình Dương...