Có được bán lại nhà ở xã hội hay không? Và sau bao lâu chủ sở hữu được phép bán lại nhà ở xã hội?
Điều kiện được mua nhà ở xã hội?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014, các đối tượng được mua nhà ở xã hội kể trên cần đáp ứng các điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, cụ thể:
Điều 51. Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
1. Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này thì phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập theo quy định sau đây:
a) Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực;
b) Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật này;
c) Đối với đối tượng quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật này thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với đối tượng quy định tại các khoản 1, 8, 9 và 10 Điều 49 của Luật này thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định tại điểm này.
Một góc khu chung cư nhà ở xã hội Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, Bình Dương. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)
Theo đó, các đối tượng được mua nhà ở xã hội cần đáp ứng 3 điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập như sau:
- Về nhà ở, đối tượng được mua nhà xã hội phải là những người chưa sở hữu được nhà ở riêng; phải là cá nhân chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại khu vực sinh sống; trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình, diện tích ngôi nhà chỉ ở mức bình quân đầu người so với toàn hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu.
- Về cư trú, đối tượng được mua nhà ở xã hội phải đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không đăng ký thường trú, thì phải đăng ký tạm trú từ một năm trở lên
- Về thu nhập, đối tượng được mua nhà ở xã hội còn phải thỏa mãn điều kiện về thu nhập như sau:+ Phải là cá nhân không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên;
+ Phải thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Có được bán nhà ở xã hội?
Trường hợp bán nhà ở xã hội có sẵn hoặc nhà ở xã hội hình thành trong tương lai
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 63 Luật Nhà ở năm 2014 thì chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được lựa chọn hình thức bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc bán nhà ở có sẵn.
Trong đó:
- Việc bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai phải tuân thủ các điều kiện sau đây:
Đã có hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở, có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt và có giấy phép xây dựng nếu thuộc diện phải có giấy phép xây dựng;
Đã hoàn thành việc xây dựng xong phần móng của nhà ở;
Sau bao lâu được bán lại nhà ở xã hội? Ảnh: Internet
Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, cấp, thoát nước, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng của khu vực nhà ở được bán theo quy hoạch chi tiết xây dựng, hồ sơ thiết kế và tiến độ của dự án đã được phê duyệt;
Đã giải chấp đối với trường hợp chủ đầu tư có thế chấp nhà ở này, trừ trường hợp được người mua, thuê mua và bên nhận thế chấp đồng ý;
Đã có văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, trừ nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn theo quy đinh.
- Bán nhà ở xã hội có sẵn cần tuân thủ các điều kiện sau:
Khu vực nhà ở để bán đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng, hồ sơ thiết kế và tiến độ của dự án đã được phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư có thế chấp nhà ở thì phải giải chấp trước khi bán nhà ở này, trừ trường hợp được người mua, thuê mua và bên nhận thế chấp đồng ý;
Đã có văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán trừ nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn;
Nhà ở không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu;
Nhà ở đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
Nhà ở không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Trường hợp bán lại nhà ở xã hội
Khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở 2014 quy định:
Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Theo quy định trên, một trong những điều kiện quan trọng người mua nhà ở xã hội khi có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội cần nhớ đó là chỉ được bán lại nhà ở xã hội sau ít nhất 05 năm kể từ thời điểm hoàn thành thanh toán tiền mua nhà.
Sau bao lâu được phép bán lại nhà ở xã hội?
Như đã trình bày ở mục 3 nêu trên, người mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở xã hội sau ít nhất 05 năm kể từ thời điểm hoàn thành thanh toán tiền mua nhà.
Theo đó, trường hợp trong thời hạn 05 năm này mà bên mua có nhu cầu bán nhà ở thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua.
Giá bán tối đa trong trường hợp này bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân./.
An Ngọc