Tại dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam (BGPN), công nghệ áp dụng vào dự án này từ phòng “thí nghiệm đi thẳng ra thực tế”, bị đánh giá không phù hợp nên không hoạt động được. Nhiều năm nay, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Long An đang phải “đau đầu” tìm phương án xử lý dứt điểm với vấn đề này.
Đến thời điểm hiện tại, dự án này được kết luận không khả thi do không còn vùng nguyên liệu (hiện khu vực không còn trồng đay là nguyên liệu để sản xuất của Nhà máy). Điều chỉnh tính năng sản xuất để phù hợp với các nguyên liệu khác cũng không khả thi, do sản phẩm làm ra, chủ yếu là giấy in, rất khó tiêu thụ. Bán tài sản của dự án trên đất cũng không ai mua, mục đích chuyển sử dụng quyền sử dụng đất dự án để xây dựng khu đô thị sinh thái gắn với công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn.
Đấy là chưa nói đến xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính của dự án BGPN, hiện đang bị các chủ nợ khởi kiện. Đây được coi là dự án “hóc búa” bậc nhất trong 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công Thương.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương; đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, tỉnh Long An để xem xét xử lý dự án BGPN.
Dự án BGPN chưa có quyết định “định đoạt” số phận, nhưng bài học về “sai một ly đi một dặm” như cổ nhân dạy, trong việc xây dựng, thẩm định dự án thì một lần nữa đã rõ. Trong quyết định đầu tư, nếu chủ quan, nóng vội, tính toán không kỹ, sẽ để lại nhiều hệ quả.
Đầu năm 2023, Quốc hội đã có Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Hiện nay, các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành/lĩnh vực, quy hoạch 63 địa phương đang được xem xét ban hành. Bài học về thiếu tầm nhìn, xung đột giữa các quy hoạch lĩnh vực, chắc chắn sẽ được tính toán, trên cơ sở các kinh nghiệm thành công cũng như bài học thất bại.
Thành công hay thất bại đều là kinh nghiệm quý trong xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện. Câu chuyện đưa kết quả từ “phòng thí nghiệm” ra thực tiễn, tốn kém tiền bạc đã đầu tư, thời gian và công sức giải quyết hậu quả như dự án BGPN, kỳ vọng không còn xảy ra.
Yêu cầu phát triển nhanh, nhưng phải bền vững. Phát triển phải dựa vào căn cứ khoa học - công nghệ vững chắc. Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn là những yêu cầu hiện nay với các dự án.
Tầm nhìn có nhiều yếu tố cấu thành, tuy nhiên về tổng thể phải có năng lực nhìn nhận xa; năng lực đối diện với thực tại, nhận diện cơ hội và thách thức; từ đó thiết kế được chiến lược, lộ trình, bước đi.