Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đưa sản lượng nuôi tôm nước lợ đến năm 2025 đạt gần 234.000 tấn, với giá trị kim ngạch xuất khẩu duy trì và tối thiểu phải đạt 1 tỷ USD.
Theo đề án “Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X thông qua, Sóc trăng đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành hàng thuỷ sản của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025 bình quân là 2,74%/năm và dự kiến đến năm 2025 đạt 5,1%/năm.
Advertisements
Theo Đề án, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 57.000 ha, bao gồm: 1.500 ha tôm siêu thâm canh; 40.500 ha tôm thâm canh, bán thâm canh và 15.000 ha tôm lúa, tôm quảng canh cải tiến. Phấn đấu sản lượng tôm nước lợ đến năm 2025 là gần 234.000 tấn, với giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh phấn đấu duy trì và tối thiểu phải đạt 1 tỷ USD.
Tỉnh định hướng xây dựng 45 mô hình điểm, chủ đạo phù hợp với từng tiểu vùng sản xuất trong 3 năm triển khai dự án, được kiểm soát chặt chẽ về môi trường và dịch bệnh. Phấn đấu tất cả cơ sở nuôi, hộ nuôi đảm bảo điều kiện về nuôi trồng thuỷ sản và được cấp mã số ao nuôi đối tượng chủ lực đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu, cam kết không đưa tạp chất vào tôm nuôi thương phẩm. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động 20 hợp tác xã để đạt các chứng nhận VietGAP, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm…
Đến năm 2030, Sóc Trăng phấn đấu đưa sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt hơn 311.000 tấn, tốc độ tăng trưởng đạt 6,7%/năm.
Sóc Trăng có tiềm năng và điều kiện tự nhiên thuận lợi để nuôi trồng và chế biến xuất khẩu đối với tôm nước lợ. Trong những năm qua, tỉnh luôn duy trì diện tích thả nuôi tôm nước lợ khoảng 51.000 ha, riêng năm vừa qua, diện tích thả nuôi tôm của tỉnh tăng lên hơn 54.000 ha, đạt sản lượng gần 228.000 tấn. Năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của Sóc Trăng, chủ yếu là tôm nước lợ đạt hơn 1 tỷ USD.
Mặc dù nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển, nhưng chưa thật sự bền vững khi hạ tầng phục vụ vùng nuôi chưa đồng bộ, tình trạng nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, hạn chế trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư, khó khăn trong quản lý môi trường, kiểm soát chất lượng con giống, vật tư đầu vào… nên hiệu quả đạt chưa cao.
Tỉnh Sóc Trăng cho rằng, với tiềm năng và hiện trạng sản xuất tôm nước lợ của tỉnh thì rất cần thiết xây dựng đề án phát triển nuôi tôm nước lợ. Với Đề án, tỉnh sẽ hướng đến tiếp tục giữ vững ổn định sản xuất tôm nước lợ, nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ theo hướng tăng năng suất và chất lượng, hướng tới các lợi ích bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sự bền vững cho nghề nuôi thuỷ sản, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người nuôi, từng bước đưa Sóc Trăng trở thành trung tâm nuôi trồng của vùng ĐBSCL.