Sau BaF, Siba Group là đơn vị thứ 2 thuộc hệ sinh thái Tân Long của ông Trương Sỹ Bá niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ngày 13/11, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa chấp thuận niêm yết 25 triệu cổ phiếu SBG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao Siba (Siba Group).
Được thành lập năm 2015, Siba Group tiền thân là Công ty Cơ khí môi trường Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, môi trường, y tế… Những năm gần đây, công ty đẩy mạnh tăng vốn từ mức 90 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng vào cuối quý 3/2023.
Cụ thể, năm 2021, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 90 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông mới, tương ứng phát hành thêm 6 triệu cổ phiếu với mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Đến năm 2022, Công ty đổi tên thành Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba, đồng thời chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO). Trong đợt IPO này, Siba Group đã bán ra 10 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Sau IPO, Siba Group có tổng cộng 251 cổ đông, trong đó ba cổ đông lớn nắm giữ hơn 20,5 triệu cổ phiếu, tương đương 82,3% vốn của công ty gồm: Công ty Siba Holdings (55,6%), ông Nguyễn Văn Đức (17,7%), và bà Phan Hồng Vân (9%).
Đến đầu năm 2023, nhóm hai cổ đông các nhân trên đã bán ra một lượng cổ phần Siba Group. Tại thời điểm 30/9/2023, Siba Group còn 2 cổ đông lớn gồm Siba Holdings sở hữu 55,6% và ông Nguyễn Văn Đức sở hữu 6%.
Được biết, Siba Holdings cũng là cổ đông lớn nhất của Công ty Nông nghiệp BaF Việt Nam (
BAF). Công ty chuyên về chăn nuôi heo đã niêm yết trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2021, hiện Siba Holdings nắm giữ 40,48% vốn của BaF Việt Nam.
Ông Trương Sỹ Bá, người giữ vị trí chủ tịch Siba Holdings cũng là chủ tịch Tập đoàn Tân Long. Tân Long là một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh gạo, xuất nhập khẩu điều, cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi, khai thác và chế biến khoáng sản – hóa chất, sản xuất cơ khí công nghệ cao.
Cùng với
BAF, Siba Group là đơn vị thứ 2 thuộc hệ sinh thái Tân Long niêm yết trên sàn chứng khoán.
Về hoạt động kinh doanh, Siba Group tập trung vào các lĩnh vực như cơ khí chế tạo (lắp đặt thiết bị cho trang trại), năng lượng (khai thác điện mặt trời áp mái) và thương mại (kinh doanh ngô và khoáng sản)
Các sản phẩm của Siba Group có mối quan hệ chặt với lĩnh vực hoạt động của Tân Long, BaF Việt Nam và các công ty có liên quan như nhà kèo thép làm trang trại heo, silo bảo quản thức ăn, quạt turbo, lò đốt xác heo, hệ thống silo sấy trữ lúa gạo.
Ngoài ra, công ty còn có các sản phẩm như thiết bị gia dụng – nội thất, lắp đặt điện mặt trời áp mái.
Doanh thu chủ yếu của Siba Group đến từ bán ngô hạt. Giai đoạn 2020 – 2022, tỷ trọng thương mại ngô hạt chiếm trên 97% cơ cấu doanh thu. Hoạt động buôn bán ngô hạt có tỷ trọng doanh thu cao, song biên lợi nhuận thấp.
Những năm gần đây, mảng này dần thu hẹp trong cơ cấu của Siba Group, thay vào đó công ty tập trung vào khía cạnh áp dụng công nghệ cao vào sản phẩm cơ khí để thi công lắp đặt có biên lợi nhuận tốt hơn.
Năm 2022, doanh thu mảng cơ khí – xây lắp của của Siba Group đạt 401 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp từ mảng này đạt 76 tỷ đồng, tăng gần 3 lần với biên lợi nhuận xấp xỉ 20%.
Trong khi đó, mảng thức ăn chăn nuôi ghi nhận doanh thu 3.600 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp mảng này chỉ vỏn vẹn 4 tỷ đồng, giảm 41% và biên lợi nhuận chỉ 0,11%.
Sau 9 tháng đầu năm 2023, Siba Group ghi nhận doanh thu đạt gần 3.100 tỷ đồng, trong đó doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi đạt 2.613 tỷ đồng, mảng cơ khi chế tạo gần 480 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 31,4 tỷ đồng, tăng 14,5% so với ba quý đầu năm 2022.