Thị trường khó khăn, cổ phiếu ngành ô tô diễn biến trái ngược, phần lớn mất giá sau 3 quý đầu năm. Không chỉ vậy, tình trạng doanh số đang đưa ra một chỉ dấu báo hiệu một năm khó có thể tăng trưởng cao, thậm chí tụt sâu so với năm 2022, dự báo tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực lên nhóm cổ phiếu này.
Theo quan sát, sau 9 tháng đầu năm, phần lớn các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành ô tô đều ghi nhận mất giá, nhưng cũng có những mã tăng gần gấp đôi so với đầu năm.
Cổ phiếu phân hóa
Nếu lấy mốc so sánh của phiên giao dịch đầu năm (ngày 3/1) so với phiên kết thúc quý III (29/9), thị giá cổ phiếu VEA của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) giảm nhẹ 6,3% trong 3 quý đầu năm, từ 40.000 đồng/cp xuống 37.500 đồng/cp.
Sau 9 tháng đầu năm, phần lớn cổ phiếu thuộc nhóm ngành ô tô đều ghi nhận mất giá.
Trong khi đó, thị giá cổ phiếu SVC của Savico - nhà phân phối lớn nhất của Toyota và nhiều thương hiệu ô tô khác, đã giảm 39% từ mốc 57.200 đồng/cp (phiên 3/1) xuống mức 35.000 đồng/cp (phiên 29/9).
Cổ phiếu HTL của nhà phân phối và lắp ráp ô tô cần cẩu Trường Long cũng có diễn biến thị giá giảm 12%, từ 16.000 đồng/cp (phiên 3/1) xuống mức giá 14.100 đồng/cp (phiên 29/9).
Còn thị giá cổ phiếu CTF của City Auto - nhà phân phối xe Ford, gần như đứng yên quanh mốc 29.000 đồng/cp.
Chiều ngược lại, trong 9 tháng đầu năm, thị giá cổ phiếu HAX của Haxaco - nhà phân phối xe Mercedes tăng 13,6% từ mốc 13.200 đồng/cp (phiên 3/1) lên mức 15.000 đồng/cp (phiên 29/9).
Thậm chí, cổ phiếu TMT của Ô tô TMT còn tăng từ mức 9.400 đồng/cp (phiên 3/1) lên mức 18.100 đồng/cp (phiên 29/9), tương đương với mức tăng gần gấp đôi sau 9 tháng.
Thị giá cổ phiếu ngành ô tô trong có mức tăng trưởng chậm và diễn ra phân hóa mạnh diễn ra trong bối cảnh tình hình chung, mức lợi nhuận của nhóm các nhà phân phối ô tô trong 3 quý đầu năm gần như không đáng kể, sụt giảm từ 84 - 98% so với cùng kỳ.
Riêng trường hợp VEAM vẫn lãi đậm tương đương năm ngoái nhờ duy trì khoản tiền mặt gần 15.000 tỷ đồng gửi tiết kiệm ở các ngân hàng, cộng với lợi nhuận được chia từ các liên doanh với Honda, Toyota và Ford.
Đáng chú ý, cổ phiếu của 2 doanh nghiệp ô tô thua lỗ triền miên là HHS (CTCP đầu tư dịch vụ Hoàng Huy) và GGG (CTCP ô tô Giải Phóng) đều chìm sâu dưới mệnh giá. Thậm chí, cổ phiếu GGG còn bị hạn chế giao dịch do lỗ 3 quý liên tiếp.
Một năm khó có thể tăng trưởng cao
Có thể thấy, thị trường ô tô vẫn khá trầm lắng, ngay cả khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Khi những con số về doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô trong tháng 8 được tung ra với doanh số xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc lần lượt giảm 3% và 15% so với tháng trước đó, để kích cầu, ngay sau dịp nghỉ lễ 2/9, các hãng xe và đại lý phân phối ô tô tại Việt Nam đã bắt đầu bước vào cuộc đua doanh số khốc liệt những tháng cuối năm 2023.
Theo đó, các hãng xe hơi đang tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn bên cạnh chính sách giảm lệ phí trước bạ của Chính phủ.
Thị trường ô tô tháng 10 đã chứng kiến cuộc đua sôi động về khuyến mại giảm giá xe đến từ các hãng lắp ráp và nhập khẩu, nhưng kết quả thu lại vẫn chưa được như kỳ vọng.
Kết thúc tháng 10, theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô là 25.369 xe, giảm nhẹ so với tháng 9 trước đó và giảm 31% so với tháng 10/2022. Trong đó, doanh số của xe lắp ráp trong nước giảm 1% so với tháng trước và xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng 2%.
Trước đó, các chuyên gia đưa ra dự báo, doanh số ô tô sẽ có tín hiệu khởi sắc trở lại trong tháng 9, nhưng có thể sẽ phải đợi đến tháng 11 mới đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, dựa trên triển vọng tích cực hơn nhờ chính sách giảm lệ phí trước bạ, lãi suất cho vay thấp và nhu cầu tiêu dùng cải thiện trong mùa cao điểm mua sắm.
Theo Chứng khoán Tiên Phong (TPS), lãi suất cho vay được nhận định sẽ tiếp tục giảm vào cuối năm do dư địa tăng trưởng tín dụng còn khá cao.
“Các ngân hàng sẽ thúc đẩy cho vay tiêu dùng, đặc biệt là cho vay mua ô tô khi nhu cầu tín dụng doanh nghiệp không cao và thị trường bất động sản chưa tích cực”, TPS nhận định.
Trong một báo cáo về ngành ô tô gần đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lãi suất cho vay thấp là yếu tố quan trọng nhất (bên cạnh việc tăng thu nhập) sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua xe sang. Các nhà phân tích kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sẽ khuyến khích nhu cầu mua xe sang trong giai đoạn cuối năm 2023 và năm 2024.
Tuy nhiên, với kết quả tiêu thụ xe từ tháng 6 đến nay vẫn giữ đà ổn định, dự đoán thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 11 này có thể chưa diễn ra đột biến dù nhiều hãng xe đã tung ra khuyến mại "khủng", giảm giá tới cả trăm triệu đồng hoặc tặng 100% lệ phí trước bạ. Tình trạng doanh số chưa tăng mạnh như các tháng cuối năm thường thấy có thể là một chỉ dấu báo hiệu một năm khó có thể tăng trưởng cao, thậm chí tụt sâu so với năm 2022.
Đây thực sự là khoảng thời gian khó khăn đối với cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, bởi các đơn vị sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, thậm chí bán hòa vốn, cắt lỗ để giành lấy “miếng bánh” thị phần vốn đã không còn dễ dàng như năm ngoái.
Dù vậy, nhìn xa hơn, phân phối ô tô vẫn có nhiều điểm sáng tăng trưởng khi thu nhập trung bình của người dân tăng lên, nhu cầu sở hữu ô tô cá nhân ngày càng nhiều hơn. Đây cũng là yếu tố tích cực hỗ trợ triển vọng cổ phiếu ngành ô tô trong dài hạn.
Hải Giang