• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 7:27:03 CH - Mở cửa
Từ kết quả kinh doanh quí 3 của các ngân hàng…
Nguồn tin: Saigon Times | 20/11/2023 10:35:00 SA
Tăng trưởng tín dụng thấp, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) giảm so với cùng kỳ và chất lượng tài sản đi xuống là những nét nổi bật trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 3-2023 của các ngân hàng.
 
 
Tăng trưởng tín dụng thấp
 
Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây của Công ty Chứng khoán VnDirect, tính tới cuối quí 3-2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 7% so với đầu năm – thấp hơn nhiều so với mức tăng 11% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, mức tăng này đã cải thiện đáng kể từ mức 4,48% vào cuối tháng 8-2023. Đáng chú ý là xu hướng tăng trưởng khác nhau khá rõ nét giữa nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) gốc quốc doanh và nhóm NHTM tư nhân.
 
Cụ thể, VCB chỉ ghi nhận tăng trưởng tín dụng ở mức 3,8% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng chung của ngành. Kết quả kém khả quan này là do: 1) nhu cầu tín dụng suy yếu khi kinh tế còn đang khó khăn và 2) khẩu vị rủi ro thấp của VCB đối với hoạt động cho vay. Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ cho lợi nhuận ròng của VCB là chi phí dự phòng đã giảm mạnh 46,2%, thúc đẩy lợi nhuận ròng tăng 20%. Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu của VCB lại tăng khá mạnh, lên mức 1,21% so với mức 0,83% vào cuối quí 2-2023, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm xuống còn 270% so với 386% vào cuối quí 2-2023.
 
Một NHTM gốc quốc doanh khác là CTG ghi nhận tăng trưởng tín dụng ở mức 8,7% so với đầu năm – cao nhất trong số các NHTM gốc quốc doanh. Tuy nhiên, NIM của CTG giảm 23 điểm cơ bản so với cùng kỳ, xuống mức 2,87%, nhưng duy trì không đổi so với quí trước. Chi phí dự phòng của ngân hàng này giảm 10,6%, xuống còn 7.440 tỉ đồng, thúc đẩy lợi nhuận trước thuế tăng 17,2% – cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng chung của ngành. Mặc dù gặp phải nhiều trở ngại gần đây, CTG đã quản lý danh mục cho vay của mình khá hiệu quả khi tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ xuống còn 1,37%.
 
Nhiều khả năng chi phí dự phòng sẽ còn tiếp tục “bào mòn” lợi nhuận của các ngân hàng trong những quí tới. Những ngân hàng có bộ đệm dự phòng cao như VCB (270%), CTG (172%), BID (158%) được đánh giá sẽ chịu ít áp lực hơn về trích lập dự phòng so với các ngân hàng khác.
 
Trong khi đó, một số NHTM tư nhân lại chứng kiến mức tăng trưởng tín dụng mạnh. Vào cuối quí 3-2023, MBB ghi nhận tăng trưởng tín dụng so với đầu năm ở mức 13,7%. Theo xu hướng chung của ngành, NIM của MBB giảm 74 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống còn 5,03%, nhưng vẫn duy trì không đổi so với quí trước. Tuy vậy, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của MBB lại giảm mạnh xuống còn 27,6% – mức thấp nhất kể từ năm 2016, giúp lợi nhuận trước dự phòng tăng 20,3%. Tuy nhiên, vào cuối quí 3-2023, tỷ lệ nợ xấu của MBB đã tăng lên 1,89% – mức cao nhất kể từ năm 2016.
 
Với VPB, vào cuối quí 3-2023, ngân hàng mẹ ghi nhận tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ tới 22% – mức cao nhất toàn ngành. Trong khi đó, NIM giảm về 3,8% do lãi suất cho vay giảm nhằm hỗ trợ khách hàng. Chất lượng tài sản tiếp tục giảm khi tỷ lệ nợ xấu của VPB tăng lên 3,96% từ mức 3,88% vào cuối quí 2-2023. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPB đã cải thiện đáng kể (từ mức 7,44% vào cuối quí 2-2023 xuống mức 5,74% vào quí 3-2023). Điều này cho thấy tỷ lệ nợ xấu của FE Credit đang có xu hướng giảm khá mạnh.
 
Theo VnDirect, trong quí 4-2023, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và có hạn mức tăng trưởng tín dụng lớn (VPB, MBB, HDB) sẽ duy trì vị thế dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng trong ngành. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng cho cả năm nay sẽ chỉ ở mức 10%, thấp hơn mức mục tiêu 14% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
 
 
Kỳ vọng NIM dần hồi phục
 
Tổng NIM của 25 ngân hàng niêm yết đã giảm 47 điểm cơ bản xuống 3,32% trong quí 3-2023 với 22/25 ngân hàng có NIM giảm. Trong số các NHTM vốn hóa vừa và lớn, chỉ có STB, VIB và CTG là có khả năng duy trì NIM ổn định hoặc cao hơn so với cùng kỳ. Trong khi đó, NIM của các ngân hàng có tỷ trọng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp cao như VPB, TCB tiếp tục giảm nhiều nhất.
 
Có một tín hiệu tích cực là chi phí huy động vốn của cả ngành đã giảm 33 điểm cơ bản so với quí trước. Điều này chủ yếu nhờ vào: (1) nguồn huy động chi phí thấp bắt đầu có hiệu quả và (2) tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng cao hơn (từ 18,1% cuối quí 2-2022 lên 18,9% cuối quí 3- 2023). Trong quí 4-2023, kỳ vọng chi phí huy động vốn của toàn ngành ngân hàng sẽ còn giảm nhiều hơn nữa nhờ tiền gửi chi phí thấp sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng (lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể từ 40-100 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn trong quí 3- 2023).
 
Tuy nhiên, NIM của toàn ngành có thể sẽ không cải thiện ngay lập tức trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu như hiện tại. Mặc dù vậy, cá biệt một số ngân hàng sở hữu tỷ trọng cho vay cá nhân cao vẫn có cơ hội cải thiện NIM tốt hơn so với các ngân hàng khác.
 
Trong năm 2024, NIM của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ có khả năng phục hồi nhờ nhu cầu tín dụng quay trở lại cùng với sự tăng trưởng kinh tế.
 
Cần chú ý chất lượng tài sản
 
Trong bối cảnh những khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn chưa vơi bớt và đà hồi phục kinh tế chưa thật sự mạnh mẽ thì việc suy giảm trong chất lượng tài sản của các ngân hàng là điều nhà đầu tư cần lưu tâm. Thống kê cho thấy tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất duy trì xu hướng tăng, đạt mức 2,24% tại thời điểm cuối quí 3-2023 – mức cao nhất kể từ năm 2017.
 
Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ngành chỉ giảm nhẹ xuống còn 94% vào cuối quí 3-2023 so với mức 98% vào cuối quí 2-2023, bằng với mức cuối năm 2020. Điều này cho thấy bộ đệm dự phòng tốt hơn của ngành ngân hàng trong những năm qua.
 
Bên cạnh đó, có một tín hiệu tích cực khác là tỷ lệ nợ nhóm 2 đã giảm xuống còn 2,3% so với mức 2,5% vào cuối quí 2-2023, cho thấy sự hình thành nợ xấu đang có phần chậm lại.
 
Mặc dù vậy, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế đang phục hồi khá chậm thì nhiều khả năng chi phí dự phòng sẽ còn tiếp tục “bào mòn” lợi nhuận của các ngân hàng trong những quí tới. Trong số này, những ngân hàng có bộ đệm dự phòng cao như VCB (270%), CTG (172%), BID (158%) được đánh giá sẽ chịu ít áp lực hơn về trích lập dự phòng so với các ngân hàng khác.