Các nhà bán lẻ đã nhập cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hướng đến giảm phát thải, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Tiêu dùng bền vững và lối sống xanh là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Chiến lược này nhằm mục tiêu thúc đẩy người dân có nhận thức và hành vi tiêu dùng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, qua đó, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Trong đó, các nhà bán lẻ, với vai trò là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, thúc đẩy hành vi tiêu dùng bền vững của khách hàng.
Thông qua các kênh phân phối, nhà bán lẻ góp phần lan tỏa và thực hiện các chính sách phát triển xanh, bền vững của Chính phủ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Tuy nhiên, để thay đổi thói quen tiêu dùng và lối sống của người dân là điều không hề đơn giản.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc nhân sự, truyền thông và đối ngoại Aeon Việt Nam, trong thời gian đầu, chuỗi bán lẻ này đã khá lúng túng khi khuyến khích khách hàng sử dụng túi bảo vệ môi trường, hạn chế túi ni lông và nhựa dùng một lần.
Bà Huệ chia sẻ, nếu bắt buộc khách hàng mua túi bảo vệ môi trường phải trả phí, sẽ gây phản ứng rất lớn. Đa số khách hàng không đồng thuận vì họ sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ khi đi mua sắm.
Bên cạnh đó, do thói quen tiêu dùng đã hình thành nhiều năm, phần lớn người dân đều quen sử dụng túi ni lông. Việc khách hàng luôn mang theo túi vảo vệ môi trường khi đi mua sắm là điều không khả thi.
Trước đó, tại Nhật Bản cũng đã áp dụng việc thu tiền sử dụng túi bảo vệ môi trường nhưng đã không thành công.
Mặt khác, bà Huệ cho rằng, việc đào tạo thu ngân, nhân viên của hệ thống bán lẻ hiểu được bản chất của việc bảo vệ môi trường để truyền đạt lại đến người tiêu dùng cũng là một thách thức lớn.
Các nhà bán lẻ phải làm sao để khách hàng hiểu và tự nguyện, hưởng ứng việc hạn chế sử dụng túi ni lông, nhựa dùng một lần, để chuyển sang sử dụng túi bảo vệ môi trường chứ không phải là một sự bắt buộc, làm khó người tiêu dùng.
Nếu truyền tải thông điệp không đúng, các nhà bán lẻ có thể gây phản ứng ngược, khiến khách hàng quay lưng.
Hướng đi nào cho tiêu dùng xanh?
Đưa ra giải pháp cho việc khuyến khích khách hàng sử dụng túi bảo vệ môi trường, Aeon Việt Nam đã triển khai dịch vụ cho khách hàng mượn túi môi trường khi mua sắm với giá chỉ 5 nghìn đồng/túi.
Theo bà Huệ, điều này giúp khách hàng không phải bỏ ra chi phí quá lớn để mua túi bảo vệ môi trường. Hơn nữa, việc cho thuê túi sẽ góp phần giúp người dân "ghi nhớ" việc mang túi khi đi mua sắm, chi phí thuê thúi sẽ được Aeon hoàn trả lại khi khách hàng mang túi trả tại quầy.
Cùng với đó, Aeon cũng tặng 1 nghìn đồng trên mỗi hóa đơn “xanh” cho khách hàng và đưa vào áp dụng quầy thanh toán ưu tiên cho những khách hàng hưởng ứng thói quen mua sắm và tiêu dùng bền vững.
Bà Huệ chia sẻ, điều này đã và đang tích cực góp phần thúc đẩy việc thay đổi thói quen của nhân viên và khách hàng. Từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2023, Aeon Việt Nam ghi nhận giảm đến hơn 11 triệu túi phân hủy sinh học (tương đương hơn 3,6 triệu giao dịch) trên toàn hệ thống.
Trước đó, tại khu vực siêu thị của tất cả các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon trên toàn quốc, 100% túi mua sắm dành cho khách hàng đều là túi ni lông phân hủy sinh học.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đã ngừng phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, ly/ tô/ đĩa nhựa,… thay vào đó là giới thiệu tới khách hàng các sản phẩm với công năng tương tự nhưng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hơn như giấy, bột gạo, bột bắp, bã mía.
Tại quầy bánh mì và khu ẩm thực tự chọn, các loại túi phân hủy sinh học cũng đã được thay thế thành túi và ly giấy, tô bã mía.
Bên cạnh chuỗi hoạt động thúc đẩy tiêu dùng bền vững, Aeon Việt Nam cũng rất thành công khi kết nối và truyền cảm hứng phát triển bền vững tới các đối tác.
Nhằm nâng cao năng lực của các nhà cung cấp trong nước, nhà bán lẻ này đã triển khai nhiều chương trình đào tạo thường niên giúp họ nâng cao kiến thức và cập nhật quy định, tiêu chuẩn đối với nhân viên, các doanh nghiệp khi đưa hàng vào siêu thị với tỉ lệ 97% người tham dự phản hồi tích cực.
Không chỉ Aeon, nhiều ông lớn bán lẻ khác cũng đang nhập cuộc mạnh mẽ nhằm có những giải pháp thiết thực, chung tay bảo vệ môi trường và thu hút người tiêu dùng.
Saigon Co.op cho biết, ngay từ khi thành lập đơn vị này đã tiên phong phát triển các sản phẩm bao bì tự hủy, bao bì tái chế. Bên cạnh việc phân phối các sản phẩm xanh, hơn 14 năm qua doanh nghiệp đã đồng hành trong nhiều chiến dịch phát triển tiêu dùng xanh, hưởng ứng chủ trương tiết kiệm bao bì với khẩu hiệu "tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường", hay chương trình "ngày không túi nilon".
Tại Masan, chuỗi siêu thị, cửa hàng WinMart/WinMart+ đã khuyến khích thay thế túi ni lông bằng 100% túi tự hủy sinh học; thực hiện các chương trình khuyến mại đối với khách hàng tự sử dụng túi đựng nhiều lần nhằm hình thành thói quen tiêu dùng xanh khi mua sắm.
Central Retail cũng đã và đang thí điểm thực hiện thành công chương trình ngày không túi ni lông và mang theo túi riêng đi chợ tại các siêu thị Tops Market trên toàn quốc. Toàn bộ hệ thống siêu thị của Central Retail đã sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường, đồng thời khuyến khích khách hàng sử dụng túi sử dụng nhiều lần với giá không lợi nhuận.