• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.285,46 -1,06/-0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.285,46   -1,06/-0,08%  |   HNX-INDEX   229,21   -0,91/-0,40%  |   UPCOM-INDEX   92,70   +0,00/+0,00%  |   VN30   1.362,69   -0,20/-0,01%  |   HNX30   498,32   -2,61/-0,52%
18 Tháng Mười 2024 5:28:14 CH - Mở cửa
Ngành sắn thực hiện SPS: Đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam | 23/11/2023 5:35:00 CH
Đây là mục tiêu được Hiệp hội sắn Việt Nam đặt ra tại hội nghị tổng kết 5 năm ngành sắn Việt Nam giai đoạn vừa qua.
 
Cần cân đối giữa chế biến và nguyên liệu
 
Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, diện tích trồng sắn cả nước hiện có khoảng 530.000 ha, tổng sản lượng trên 10 triệu tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sắn tăng từ hơn 0,9 tỷ USD (năm 2018) lên gần 1,5 tỷ USD (năm 2022).
 
 
Thiếu nguyên liệu đầu vào đang là bài toán khó cho ngành chế biên tinh bột sắn. Ảnh. Trần Trung.
 
Tuy nhiên hiện vùng nguyên liệu chỉ mới đáp ứng nhu cầu 30-40% công suất của nhà máy. Để đạt được mục tiêu đặt ra, trước mắt, cần phải giải được bài toán mất cân đối giữa chế biến và nguyên liệu. Để làm được điều đó cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và cái bắt tay liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông.
 
 Điển hình tại Tây Ninh, địa phương đứng thứ 2 về diện tích, đứng đầu về số lượng nhà máy chế biến sắn cả nước. Do sự phát triển nhanh chóng của các nhà máy chế biến đã gây áp lực không nhỏ đến vùng nguyên liệu.
 
Theo một doanh nghiệp chế biến sắn tại Tây Ninh, hiện nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn trên thế giới ngày càng tăng do công năng của loại sản phẩm này rất rộng rãi. Tinh bột sắn ngày nay không đơn thuần chỉ là lương thực, thực phẩm mà còn được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm và các ngành công nghiệp nhẹ như bánh kẹo, sợi tổng hợp, bột viên, bột biến tính, gia vị… Đặc biệt tinh bột sắn biến tính, mạch nha còn là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất các loại nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường, góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên thế giới.
 
 
Nhiều nhà máy tinh bột sắn hoạt động cầm chừng do đói nguyên liệu. Ảnh: Trần Trung.
 
Từ đó, hầu hết các nhà máy đều tăng công suất, tuy nhiên, do nguồn sắn tại địa phương không theo kịp với việc chế biến nên đã xuất hiện tình trạng tranh mua, tranh bán dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đẩy nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đầu ra không biến động nhiều khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Doanh nghiệp nào làm chủ được vùng nguyên liệu thì doanh nghiệp đó mới thắng lợi.
 
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh thừa nhận, Tây Ninh hiện là thủ phủ của ngành sắn cả nước, những năm gần đây xuất khẩu tinh bột sắn đã đem lại cho Việt Nam trên 1 tỷ USD, trong đó, hơn 50% thuộc về các doanh nghiệp Tây Ninh. Tuy nhiên, diện tích vùng trồng của Tây Ninh không phải lớn, toàn tỉnh hiện có khoảng 62 ngàn ha, năng suất khoảng 2 triệu tấn/năm, đáp ứng 50% cho ngành chế biến sắn địa phương. Để đủ nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp thu mua sắn từ các tỉnh lân cận và cả các tỉnh Campuchia giáp ranh.
 
 
Công tác nhân giống sắn kháng khảm, tăng năng suất và hàm lượng tinh bột được Tây Ninh khẩn trương triển khai. Ảnh: Trần Trung.
 
“Với vai trò chủ yếu kiểm soát về đầu vào, thời gian qua chúng tôi đã tập trung hướng dẫn bà con canh tác theo hướng bền vững và tiến tới sản xuất hữu cơ. Giá tinh bột sắn từ nguồn hữu cơ cao gấp vài lần sẽ giúp tăng giá trị trên 1 ha đất, đồng thời tăng giá trị xuất khẩu, tối ưu hóa lợi nhuận cho bà con. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp các nhà khoa học, tổ chức quốc tế để tìm ra bộ giống tốt để tăng năng suất và chữ bột, nâng cao giá trị cây sắn trên đồng ruộng, phục vụ tốt nguyên liệu cho các nhà máy”, ông Xuân chia sẻ.
 
Về giải pháp căn cơ, ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng, ngành sắn Tây Ninh vẫn còn hạn chế khi chưa có liên kết trong đầu tư thu mua nguyên liệu giữa nhà máy chế biến và người nông dân, chưa hình thành cơ chế chính sách liên kết vùng để thu hút nguồn đầu tư ổn định, lâu dài. Để cây sắn của Tây Ninh phát triển ổn định và thật sự bền vững, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng vùng sản xuất lớn. Đây là cơ sở để liên kết với các doanh nghiệp nhằm giảm các khâu trung gian, tạo cơ hội nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm.
 
Mở rộng thị trường xuất khẩu
 
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt trên 2,39 triệu tấn, trị giá 1,02 tỷ USD, trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính.
 
 
Các doanh nghiệp ngành chế biến sắn chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng để tiếp cận mở rộng thị trường. Ảnh: Trần Trung.
 
Trong 10 tháng năm 2023, mặc dù tổng lượng sắn xuất khẩu giảm, nhưng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022 như thị trường Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, EU...
 
Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, để cho ngành sắn phát triển một cách ổn định, bền vững và có chất lượng, Việt Nam cần tái cơ cấu lại ngành sắn trong nước; đảm bảo cân đối nguyên liệu trong sản xuất. Đồng thời, xây dựng Trung tâm phát triển giống sắn có sự liên kết, nhằm tạo nguồn giống mới đáp ứng kịp thời nhu cầu giống cho bà con nông dân; đảm bảo công bằng chính sách tín dụng và chính sách thuế; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khuyến khích, tiếp sức cho doanh nghiệp đầu tư xử lý môi trường và sản xuất chế biến có chiều sâu để nâng cao giá trị sau tinh bột.  
 
 
Ngành chế biến tinh bột sắn đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD vào năm 2028. Ảnh: Trần Trung.
 
Nhiệm kỳ III (giai đoạn 2023 - 2028) của Hiệp hội Sắn Việt Nam định hướng thị trường Trung Quốc là thị trường trước mắt và lâu dài, không thay thế nhưng không tuyệt đối hóa thị trường này. "Hiệp hội xem các nước Đông Bắc Á và EU là thị trường triển vọng và tiềm năng, đồng thời đẩy mạnh thị trường nội địa", ông Nghiêm Minh Tiến chia sẻ.
 
Theo ông Nguyễn Đình Xuân: “Trong thời gian tới, để ngành sắn vươn xa, các nhà máy cần phải liên kết chặt với nông dân thông qua việc đặt hàng, đầu tư, thu mua của nông dân và có cam kết đưa ra tiêu chuẩn như người canh tác cây mì phải theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… Khi nông dân canh tác mì theo hướng chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn, giá bán sẽ cao hơn; nhà máy cũng bảo đảm tính pháp lý cho tinh bột về tiêu chuẩn khi xuất khẩu sang các nước trên thế giới”.