Trong 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Đồng Nai chỉ đạt hơn 3,48 tỷ USD, giảm gần 900 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Đây là mặt hàng có xuất khẩu lớn nhất của tỉnh, chiếm trên 21% tổng kim ngạch xuất khẩu nên khi có biến động sẽ ảnh hưởng chung đến xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có xuất khẩu giày dép lớn nhất Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực giày dép, tình hình sản xuất, xuất khẩu trong tháng 10-2023 đã sáng hơn những tháng trước đó, vì đã có thêm đơn hàng. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn rất khó khăn do đơn hàng chưa đủ để sản xuất. Hiện vào vụ cao điểm của sản xuất giày dép xuất khẩu nhưng DN chỉ nhận được những đơn hàng số lượng nhỏ, ngắn hạn. Vì vậy, nhiều DN vẫn phải nghỉ việc luân phiên hoặc chỉ làm 4-5 ngày/tuần. DN không có đơn hàng sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động vì ít việc làm, thu nhập giảm. Ngành sản xuất giày dép là ngành có số lượng lao động lớn nhất, với hơn 200 ngàn người. Để đảm bảo việc làm và giữ chân người lao động, không ít DN giày dép đã phải ứng trước đơn hàng của đối tác để sản xuất.
Ngoài thiếu đơn hàng, các DN trên lĩnh vực này phải đối diện cùng lúc với những khó khăn khác là: các nhãn hàng quốc tế đòi hỏi các nhà máy gia công, hợp tác với mình phải có kế hoạch ứng dụng công nghệ để giảm khí thải nhà kính, sử dụng nguyên liệu tái chế, năng lượng tái tạo… Các yêu cầu trên đều đòi hỏi DN phải có vốn lớn để đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Trong bối cảnh hiện nay, các DN giày dép buộc phải tái cấu trúc để giảm lao động nhưng vẫn tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Giày dép sản xuất tại Đồng Nai phần lớn là gia công cho những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Nike, Reebok, Adidas, Puma, New Balance… Các hãng giày trên đều có cam kết và lộ trình giảm phát thải, tăng sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng sạch nên các nhà máy gia công bắt buộc phải có kế hoạch chuyển đổi nếu không sẽ mất dần các đơn hàng.