Công nghiệp bao bì là ngành phụ trợ cho các ngành sản xuất nên đầu ra thuận lợi, luôn giữ được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng hiện đại, nhu cầu từ thị trường hàng hóa thế giới cũng đang tạo cơ hội lớn cho ngành sản xuất bao bì phát triển.
Mặc dù vậy, ngành sản xuất bao bì cũng đang gặp phải những thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bền vững và sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp (DN) ngoại.
* Nhiều tiềm năng
Hiện nay, sản xuất bao bì là một trong những ngành công nghiệp quan trọng trong việc bảo quản, vận chuyển và phân phối hàng hóa. Nhiều nhà sản xuất bao bì đang nỗ lực để sáng chế ra các vật liệu và thiết kế mới, tạo ít chất thải hơn, có khả năng tái chế cao, giá thành thấp và quy trình đơn giản hơn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam Nguyễn Ngọc Sang, công nghiệp bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định. Hiện cả nước có khoảng 14 ngàn DN bao bì. Trong đó, bao bì giấy khoảng 4,5 ngàn DN, còn lại là bao bì nhựa. Tương lai công nghiệp bao bì sẽ còn phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế Việt Nam, vì vậy công nghiệp bao bì là ngành hấp dẫn nguồn vốn đầu tư từ nhiều quốc gia.
Tại Đồng Nai, nhiều DN sản xuất bao bì đang mạnh dạn nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chí của đối tác, nhà sản xuất. Đại diện Công ty CP Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu (TP.Biên Hòa) cho hay, từ năm 2017 đến nay, DN đã đầu tư công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm cao cấp hơn, đủ chủng loại và liên tục mở rộng thêm các nhà máy mới ở TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu và tỉnh Long An. Để có thể phát triển mạnh hơn, DN tiếp tục hiện đại hóa quản trị sản xuất, quản trị nhân sự và đầu tư công nghệ. Trong đó, định hướng của công ty là đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu để phát triển lâu dài.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Ngọc Thanh Phước (Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom) Nguyễn Thị Kim Tuyến, công ty sản xuất đầy đủ các chủng loại bao bì dùng để đóng gói sản phẩm thuộc các lĩnh vực cơ khí, may mặc, sản phẩm gỗ, thực phẩm, phủ nhà kính, nhà vườn… Đặc biệt, công ty có thể sản xuất túi ny-lông phân hủy từ bột mì nên đầu ra tương đối ổn định. Để có được nhiều dòng sản phẩm đa dạng, DN ưu tiên đầu tư máy móc hiện đại, đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao, áp dụng quy trình sản xuất khép kín hướng đến sản xuất xanh.
* Xanh hóa sản xuất để đáp ứng chuẩn quốc tế
Theo các chuyên gia, ngành bao bì Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, ngành này cũng phải đối đầu với nhiều thách thức, trong đó có sự cạnh tranh, thâu tóm từ DN ngoại và việc đáp ứng các quy chuẩn quốc tế. Điều đó buộc DN phải tăng sức cạnh tranh bằng việc quản lý hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng công nghiệp bao bì thành ngành công nghiệp xanh đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bền vững.
Ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến (hiện có nhà máy sản xuất ở Đồng Nai) cho biết, DN sản xuất ngoài lợi nhuận thì phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, DN đang tiếp tục đơn giản hóa hoạt động (cắt hoạt động dư thừa, giảm tồn kho…) để giúp năng suất lao động và tỷ suất lợi nhuận tăng đáng kể. Đồng thời, DN tìm thêm nguồn cung sản phẩm mới và cải thiện doanh thu, tìm đối tác đáp ứng các mặt hàng nhựa đảm bảo chất lượng ở phân khúc trung và cao cấp. Năm 2022, công ty bắt đầu thực hiện lộ trình số hóa để hướng đến sản xuất xanh, phát triển bền vững.
Sự kiện Triển lãm quốc tế về công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì lần thứ 16 (ProPak Vietnam 2023) vừa được tổ chức ở tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn quy tụ 400 DN sản xuất bao bì trong và ngoài nước tham gia. Tại đây, các DN được tham quan, cập nhật những công nghệ tiên tiến, giúp cải tiến quy trình sản xuất. Từ đó tối ưu hóa quy trình chế biến và đóng gói, mở rộng sản xuất, đồng thời đáp ứng các nhu cầu về sản xuất tuần hoàn.
Theo đại diện Công ty Informa Markets Việt Nam, đơn vị tổ chức chương trình, ngành chế biến, đóng gói thực phẩm và đồ uống đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, các ứng dụng giao hàng, cùng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh lợi ích kinh tế, sự phát triển đặt ra nhu cầu cấp bách về việc bảo vệ tài nguyên và môi trường khi Việt Nam đang đối mặt với thách thức phải xử lý lượng rác thải ngành hàng tiêu dùng nhanh gia tăng đột biến. Nhiều nhà sản xuất lớn đang nỗ lực để sáng chế ra công nghệ, vật liệu và thiết kế mới nhằm giảm chất thải, có khả năng tái chế cao, giá thành thấp và quy trình đơn giản hơn. Informa Markets Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục các chương trình, sự kiện của mình vì tương lai bền vững cho ngành công nghiệp chế biến, đóng gói bao bì Việt.