• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 4:16:02 CH - Mở cửa
Đồng Nai: Dân tái định cư Dự án sân bay Long Thành khổ sở vì hạ tầng chưa hoàn thiện
Nguồn tin: Báo Xây dựng | 27/11/2023 7:00:00 SA
Xây nhà xong nhưng chưa có đường đi, điện sinh hoạt nhiều gia đình phải dùng chung với nhau, hệ thống nước thải chưa hoàn thiện… đó là hàng loạt những bất cập tại khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn (Dự án sân bay Long Thành), tỉnh Đồng Nai khiến người dân chưa thể “an cư lạc nghiệp”.
 
 
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh lắng nghe ý kiến của người dân khu tái định cư sân bay Long Thành.
 
Khu dân cư “3 không”
 
Sau hơn 2 năm triển khai, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn Dự án sân bay Long Thành đã dần thành hình, mang dáng dấp của một đô thị thu nhỏ nằm cạnh “đại công trình” sân bay. Tuy nhiên, khu tái định cư này hiện vẫn còn nhiều bất cập khiến đời sống của người dân gặp nhiều trở ngại.
 
Bà Lê Thị Tho, trước đây ở xã Suối Trầu có đất và nhà bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay Long Thành. Gia đình bà được đền bù 550 triệu đồng, được cấp 1 lô phụ có diện tích 80m2 ở khu tái định cư. Tại nơi ở mới, bà đang xây căn nhà 2 tầng mà trong đó hơn nửa là tiền đi vay. Nhà có 7 nhân khẩu nên buộc phải lên lầu. Nhà bà đã làm đã gần xong nhưng hiện nay không có đường đi, điện cũng không có nên phải đi kéo nhờ nhà người khác để dùng. Khu vực nhà bà đang xây dựng cũng không có hệ thống thoát nước thải.
 
 
Làm nhà nhưng chưa có đường, ông Trần Văn Tú đành phải lót ván trên con đường mòn tự mở để đi khi trời mưa.
 
Tương tự, trường hợp của ông Trần Văn Tú, từ xã Cẩm Đường (vùng ảnh hưởng dự án) về xây nhà ở khu tái định cư được 2 tháng nay, vợ chồng ông Tú cùng mẹ già hiện nay vẫn phải đi dùng nhờ điện nhà người khác mà không biết khi nào sẽ bị cắt điện. “Tôi phải đi “câu” điện ké của gia đình phía bên kia đường, hết 7.500.000 triệu đồng tiền dây điện. Tháng rồi, nhà tôi đóng 750 nghìn đồng tiền điện. Đi “xài ké” nên người ta nói bao nhiêu tiền điện thì trả bấy nhiêu”. Ông Tú cho biết thêm, chính quyền vận động về khu tái định cư, nói đã có sẵn hạ tầng, nhưng khi về đây thì chưa có đường, cỏ mọc um tùm.
 
 
Nhiều căn nhà đã gần hoàn thiện nhưng chưa có đường đi.
 
Ông Tú, bà Tho là hai trong số hàng chục trường hợp sinh sống ở khu dân cư “3 không” đó là làm nhà xong không có đường đi, không được dùng điện như hộ chính, không có hệ thống thoát nước thải. Theo đó, khu dân cư “3 không” phần lớn đều là những hộ bốc thăm lô phụ, được phân bố sinh sống phía sau trường mầm non của khu tái định cư.
 
Theo các hộ dân ở đây, mặc dù cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, nhưng họ vẫn phải làm nhà tại khu tái định cư để ở, vì nơi ở cũ đã bị thu hồi để giao đất làm dự án. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, khu vực nói trên có khoảng 30 căn nhà đang xây dựng, vì chưa có đường nên người dân tự mở những con đường mòn để đi lại. Đa số đều phải đi kéo điện nhờ từ chỗ khác để sử dụng. Nhiều hộ xây nhà xong, không có hệ thống thoát nước thải nên đành đào những rãnh, cống kế bên các lô đất chưa xây dựng để làm đường thoát nước.
 
 
Nhiều hộ dân tự đào các cống, rãnh thoát nước vì nơi ở mới chưa có hệ thống thoát nước thải.
 
Hiện nay, ở một số phân khu của khu tái định cư, nhiều hộ dân vẫn chưa thể sử dụng internet do hạ tầng chưa có. Ngoài những bất cập nói trên, người dân cũng phản ánh về việc cắm biển tên đường ở một số khu dân cư chưa được đồng bộ, chưa được cấp số nhà, vì vậy việc liên hệ, tìm địa chỉ tương đối khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường được thiết kế chưa được hợp lý theo kiểu đảo giao thông (con lươn) lớn hơn cả làn đường hai bên….
 
Cần sớm giải quyết các bất cập
 
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích hơn 280ha. Dự án được chia làm 2 dự án thành phần gồm: Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội. Khu tái định cư dự kiến bố trí cho khoảng 7.000 hộ, đến nay có hơn 1.500 hộ xây dựng nhà ở, về đây sinh sống. Về cơ bản, người dân đã từng bước ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
 
Tuy nhiên, những bất cấp về cơ sở hạ tầng tại khu tái định cư khiến người dân bức xúc, kiến nghị kéo dài. Bà Hồ Thu Thủy, trước đây ở xã Cẩm Đường, về khu tái định cư được 3 tháng nay bày tỏ: “Giờ chúng tôi chỉ mong sớm được chính quyền đào tạo nghề, tổ chức sinh kế để người dân có công ăn việc làm, có thu nhập. Cũng mong có đường, có điện sớm mà dùng chứ khổ quá”, bà Thủy nói và cho biết bản thân cũng như nhiều người mới về khu tái định cư, đều đã kiến nghị liên quan đến vấn đề hạ tầng còn thiếu thốn đến các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
 
 
Nhiều căn nhà lọt thỏm giữa những bãi cỏ lau chưa có đường đi.
 
Liên quan đến các bất cập về cơ sở hạ tầng khu tái định cư, lãnh đạo UBND huyện Long Thành khẳng định, đến nay cơ sở hạ tầng tại khu tái định cư cơ bản đã xong, chỉ còn một vài phân khu là chưa có đường đi, huyện cũng đang phối hợp với cơ quan chức năng để sớm tiến hành. Về điện lưới, huyện đã tiếp nhận nhiều phản ánh từ người dân, địa phương cũng sẽ sớm có giải pháp cho vấn đề này.
 
Trước đó, đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh dẫn đầu, đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành về một số nội dung liên quan chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án sân bay Long Thành.
 
 
 
Bà Trương Thị Ngọc Ánh trực tiếp đi khảo sát các khu dân cư tại khu tái định cư, tiếp xúc, thăm hỏi người dân đang sinh sống ở đây; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân khi về nơi ở mới. Sau khi lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của người dân, bà Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận luôn quan tâm sâu sát đến đời sống của người dân hậu tái định cư; đoàn ghi nhận những nội dung mà nhân dân đã nêu, xem đây là một trong những căn cứ để đánh giá tính hiệu quả trong quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án sân bay Long Thành.
 
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, quy mô thực hiện dự án là rất lớn, vì vậy, trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những sai số, phát sinh kiến nghị, đề xuất chính đáng từ người dân. Bà đề nghị địa phương sớm giải quyết các bất cập tại khu tái định cư, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, chỗ nào thiếu, yếu phải khắc phục liền, qua đó đáp ứng tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặt ra về tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, đảm bảo sinh kế của người dân.