Cảng nước sâu Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên Huế) là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối các nước Myanmar, Thái Lan, Lào; thuận lợi để phát triển thành cảng đầu mối hàng hải quan trọng của khu vực.
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp Thừa Thiên Huế (BQL), ông Lê Văn Tuệ cho biết, để phát triển Chân Mây trở thành khu cảng lớn, đầu mối giao thương quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, BQL kêu gọi các DN sản xuất kinh doanh trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, DN hạ tầng cảng biển và các hãng tàu nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại tiện ích tốt nhất cho khách.
Tỉnh đã ban hành Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND ngày 7/9/2022 và Nghị quyết điều chỉnh 25/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các DN có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến cảng Chân Mây. Đến nay, sau hơn 1 năm đưa Nghị quyết đi vào thực hiện, bước đầu đã phát huy, đạt được hiệu quả nhất định. Cụ thể đã thu hút được hơn 65 chuyến tàu vận chuyển container (44 chuyến nội địa, 21 chuyến quốc tế) với sản lượng thông qua tương đương 110.640 tấn hàng. Dự kiến đến cuối 2023, sẽ có thêm 12 chuyến nội địa và 4 chuyến quốc tế với sản lượng khoảng 28.350 tấn hàng. Ngân sách chi hỗ trợ cho các hãng tàu, DN, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng đến hết 2023 là khoảng 18 tỷ đồng.
Mới đây, tại Hội nghị kết nối hãng tàu và DN có hàng container qua cảng Chân Mây do BQL tổ chức, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khai thác hiệu quả dịch vụ hàng container qua Chân Mây như cơ quan chức năng cần hỗ trợ DN tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi trong hưởng các chính sách; tăng cường quảng bá hình ảnh, truyền thông; tập trung nâng cao năng lực xếp dỡ, thông quan; rút giảm các chi phí; mở thêm các tuyến hàng container trong nước và quốc tế; gia hạn thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ cho hãng tàu và DN xuất nhập hàng container qua cảng Chân Mây...
Một đại biểu cho biết hiện một số DN đã quen xuất nhập hàng container tại Đà Nẵng nên ngại thay đổi; việc thay đổi cảng xuất/nhập khẩu hàng còn phụ thuộc vào điều kiện thương mại đã ký kết với đối tác nước ngoài. Còn có khó khăn trong thu hút nguồn hàng do suy giảm thương mại toàn cầu; sản lượng hàng hóa của miền Trung không nhiều; mất cân đối giữa hàng xuất và nhập khẩu.
Để tiếp tục thu hút các DN, hãng tàu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hoàng Hải Minh cho biết, tỉnh cam kết tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương “Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” cùng cộng đồng DN với phương châm “luôn hướng đến và lấy DN là trung tâm, là động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững, tự chủ của tỉnh”. BQL khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét gia hạn thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ các hãng tàu, DN xuất nhập hàng container qua cảng Chân Mây; hoàn chỉnh hạ tầng logistics, từng bước phát triển Chân Mây theo quy hoạch Cảng biển loại I được Thủ tướng phê duyệt.