Thời điểm này, cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An ế ẩm chưa từng có. Nhiều mỏ cát tồn đọng với khối lượng lớn, chưa biết khi nào mới tiêu thụ được.
Dọc sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương có khá nhiều “núi” cát chưa tiêu thụ được. Ảnh: Văn Trường
Đi dọc sông Lam đoạn qua các xã Thanh Ngọc, Ngọc Sơn (Thanh Chương), thấy có khá nhiều “núi” cát chưa tiêu thụ được. Một chủ bến cát ở xã Ngọc Sơn chia sẻ: "Chưa khi nào cát ế ẩm và khó tiêu thụ như năm nay. Khoảng từ tháng 8/2023, thị trường cát xây dựng bỗng dưng rất khó tiêu thụ. Thời kỳ cao điểm, bến cát bán được 80-100 m3/ngày với giá từ 100.000 đồng/m3, nhưng nay chỉ bán được 15-20m3, có ngày thậm chí không bán được xe cát nào. Hiện bến đang tồn đọng trên 1.000 tấn cát, nóng ruột quá, chúng tôi đành giảm giá từ 80.000 đồng xuống 60.000 đồng/m3 cát nhưng vẫn không ai mua".
Ông Nguyễn Thế Cường - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Chương cho biết: "Địa bàn huyện Thanh Chương có 17 bến cát đang hoạt động, do khó về đầu ra nên hầu hết các bến cát đều tồn đọng với khối lượng khá lớn, khoảng 15.000m3 cát. Hiện các mỏ cát ở Thanh Chương đều đang hoạt động cầm chừng, kéo theo khá nhiều lao động theo nghề khai thác cát phải tạm nghỉ việc để chờ “thoát” hàng mới khai thác được tiếp".
Một bến cát ở huyện Thanh Chương đang tồn đọng hàng khá nhiều. Ảnh: Văn Trường
Cũng nằm trong tình cảnh trên, địa bàn huyện Đô Lương có khá nhiều bến cát đang tồn đọng. Chủ một bến cát ở xã Lưu Sơn cho biết: "Hiện nay bến cát đang còn trên 2.000m3, hệ thống máy móc, công nhân những ngày này đều phải tạm dừng hoạt động. Phải giải quyết hết số cát tồn đọng này chúng tôi mới dám khai thác tiếp".
Theo quan sát, dọc các điểm tập kết vật liệu xây dựng ở huyện Yên Thành cũng tồn đọng nhiều núi “cát”. Ông Phan Bá Hải - một chủ bến tập kết vật liệu ở xã Nam Thành cho hay: Lâu nay chúng tôi mua cát từ các mỏ ở Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương về tập kết bán cho người dân địa phương khá thuận lợi, nhưng cả mấy tháng nay rất khó tiêu thụ, hiện đang tồn đọng trên 2.500m3 cát. Chúng tôi phải dùng xe vận tải để chở đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Hà Nam…
Được biết, thị trường cát ế ẩm một phần do năm nay các công trình xây dựng của Nhà nước và dân sinh ít, dự án cao tốc Bắc - Nam và dự án đường ven biển một số đoạn đã thi công xong nên nhu cầu vật liệu xây dựng giảm. Các chủ bến cát hy vọng từ giờ đến Tết nhu cầu xây dựng tăng trở lại để cát tiêu thụ tốt hơn.