Việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do hứa hẹn sẽ mang lại “làn gió mới”, giúp ngành dệt may Nghệ An vực dậy sau giai đoạn “chết lâm sàng” do thiếu đơn hàng trầm trọng…
Là một trong những ngành chủ lực của tỉnh Nghệ An, thế nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức bởi đơn hàng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài sụt giảm nghiêm trọng. Mới đây, bức tranh không mấy sáng sủa này được tô thêm những gam màu xanh mang đầy hi vọng, hứa hẹn sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Bức tranh nhiều gam màu tối
Từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Nghệ An phải “đau đầu” nghĩ cách duy trì, sống sót khi đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, thị trường tiêu thụ giảm sút. Thống kê trong 10 tháng đầu năm 2023 cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp ngành dệt may đều báo lãi tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái; các đơn hàng xuất khẩu giảm sút từ 25 – 30%. Và dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trên địa bàn Nghệ An trong năm nay chỉ ước đạt khoảng 430 triệu USD, giảm 6,07%.
Điển hình như vụ việc vừa mới xảy ra hồi trung tuần tháng 11 vừa qua đã minh chứng cho sự khó khăn chồng chất của các doanh nghiệp trong ngành dệt may, đó là gần 100 công nhân của Công ty CP May Halotexco tự ý ngừng việc tập thể để yêu cầu tăng chế độ, thu nhập. Nguyên do xảy ra cớ sự nêu trên, theo đại diện lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết: Đó là bởi từ đầu năm 2023 đến nay, doanh thu của công ty không đảm bảo vì không có đơn hàng, bị phạt nhiều trong khi đó giá gia công lại giảm mạnh. Tình trạng này đã khiến cho đơn vị gặp rất nhiều khó khăn về tài chính nên ảnh hưởng phần nào đến quyền lợi của người lao động.
Hay như trên địa bàn huyện Diễn Châu, nơi có 12 nhà máy và các cơ sở sản xuất may mặc, giày da… tạo việc làm cho gần 20.000 lao động địa phương. Vậy nhưng, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, hâu hết các doanh nghiệp cũng phải bó hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm hàng loạt nhân sự. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các doanh nghiệp may mặc thuộc Khu kinh tế Đông Nam. Theo đó, vào giai đoạn cao điểm, Công ty CP May Minh Anh Nghệ An có 3 nhà máy sản xuất với gần 20.000 lao động, vậy nhưng đến nay, doanh nghiệp này đã cắt giảm hơn 5.00 người. Còn Công ty TNHH Sangwoo thì tình hình cũng không khá khẩm hơn là bao khi cũng cắt giảm hơn 300 nhân sự…
Mặc dù vậy, trong một báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Nghệ An tăng trưởng chậm nhưng vẫn là ngành hàng nắm giữ vai trò chủ lực, chiếm 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu trong toàn tỉnh. Và theo số liệu thống kê đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Nghệ An hiện có khoảng 30 nhà máy đang hoạt động và 10 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư triển khai xây dựng. Đáng chú ý, trong số đó có 17 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký lên đến gần 100 triệu USD; góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.
Tuy nhiên, do đa phần hoạt động sản xuất, kinh doanh sợi và phụ kiện nên ngành dệt may Nghệ An vẫn còn dựa dẫm quá nhiều về nguồn cung nguyên phụ liệu từ các nước lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, các sản phẩm khi được sản xuất ra thì lại chỉ chủ yếu dùng để xuất khẩu sang các quốc gia ở Tây Á và Trung Đông chứ chưa thể lấn sân ra biển lớn, tiếp cận đến các thị trường tiềm năng với nhiều đối tác mạnh ở châu Âu.
Tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA
Thực tế nói trên đã phần nào phản ánh bức tranh ngành dệt may của Nghệ An trong thời gian vừa qua là không mấy sáng sủa. Do vậy, giới chuyên gia dự báo, nếu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may không tìm cách xoay chuyển, đưa ra các giải pháp kịp thời để tháo gỡ thì tình trạng này sẽ còn tiếp diễn ít nhất là đến hết quý I/2024 mới có thể hi vọng khởi sắc trở lại.
Để có thể làm được điều đó, các doanh nghiệp dệt may Nghệ An cần phải chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu riêng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu; từ đó mới có thể tận dụng được tối đa cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do FTA mang lại.
Liên quan đến vấn đề này, trong khuôn khổ hội thảo trao đổi về kế hoạch tận dụng FTA thế hệ mới tại Nghệ An, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương nhận định rằng: Dệt may được đánh giá là ngành sản xuất thiết yếu của thế giới, sự biến động của ngành tuy thuộc vào từng giai đoạn của thị trường và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Quy mô thị trường dệt may toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh, dưới tác động của các FTA sẽ tạo động lực cho các nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của Nghệ An tập trung quá nhiều ở thị trường châu Á, trong khi đó thị trường châu Âu lại thấp, chỉ chiếm đến 6,5% thị phần nên hiệu quả sẽ không cao. Bên cạnh đó, việc tận dụng FTA của các doanh nghiệp chưa đạt đươc hiệu quả như mong muốn, còn yếu về vốn, thiếu về công nghệ, năng lực và đặc biệt là chủ yếu hoạt động gia công chứ chưa chú trọng thương hiệu, không thực sự quan tâm, chú trọng đúng mức vấn đề phát triển bền vững, lâu dài…
Do vậy, các doanh nghiệp cần phải định vị thị trường khu vực FTA thế hệ mới trong chiến lược xuất khẩu, tối ưu hóa chi phí và năng lực sản xuất thông qua kết nối với các doanh nghiệp khác. Đồng thời nghiên cứu thông tin, cơ chế chính sách thị trường khu vực FTA để tiếp cận gần hơn các thị trường này.
Bên cạnh sự “tự lực” của doanh nghiệp, các ngành chức năng tỉnh nhà cũng cần quan tâm hơn nữa đến ngành dệt may, ưu tiên thu hút đầu tư vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh và tự động hóa. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may với các nhóm sản phẩm như: Sợi, sản xuất vải từ sợi trong nước, nguyên phụ liệu ngành may để hình thành chuỗi giá trị ngành dệt may trên địa bàn tỉnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Cùng với đó là phân bố các doanh nghiệp dệt may hợp lý, đảm bảo thuận lợi về nguồn cung lao động, giao thông, hạ tầng logistics,... Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dệt may thực hiện công tác chuyển đổi số, mở rộng thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu,… thông qua hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu…