Đến hết tháng 10/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh tăng gần 7,3%. Ngành công thương và các doanh nghiệp đang nỗ lực tăng tốc để hoàn thành kế hoạch chỉ số tăng trên 11%.
Nhà máy sản xuất Pin VinES đi vào vận hành thương mại, đóng góp thêm sản phẩm mới cho công nghiệp Hà Tĩnh. Ảnh: Thu Trang.
Nhờ nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hoạt động sản xuất công nghiệp tại Hà Tĩnh trong những tháng gần đây liên tục ghi nhận mức tăng trưởng khá ở các lĩnh vực. Đặc biệt, hoạt động trở lại của tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã góp phần đưa ngành sản xuất điện tăng vượt bậc.
Ông Lê Xuân Từ - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh ta tháng 10/2023 tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 2,97%; ngành chế biến, chế tạo tăng 21,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 40,5%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,4%.
Với sự tăng trưởng đột phá trong những tháng gần đây, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 10 tháng đã đạt mức tăng gần 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng mừng là, cả 4 nhóm ngành công nghiệp cấp 1 đều tăng trưởng. Cụ thể, ngành khai khoáng tăng 4,3%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,2%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 20 nhóm sản phẩm chủ yếu, 11 nhóm có sản lượng 10 tháng tăng so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều sản phẩm tăng khá như: bê tông trộn sẵn tăng 17,8%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 17,5%; điện sản xuất tăng 13,4%; mực đông lạnh tăng 11,6%; điện thương phẩm tăng 11,7%...
Là doanh nghiệp đóng góp chủ yếu vào hoạt động của ngành công nghiệp, dù chịu tác động của lạm phát toàn cầu nhưng Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, sản lượng thép của công ty – sản phẩm chủ lực của công nghiệp Hà Tĩnh trong 10 tháng vẫn đạt hơn 4 triệu tấn, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Những tín hiệu tích cực gần đây được xem là bước đệm vững chắc để chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra từ đầu năm. Song cũng phải nhìn nhận rằng, nhiều ngành công nghiệp đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Một số sản phẩm công nghiệp còn giảm sản lượng so với cùng kỳ năm trước như: quặng inmenit và tinh quặng inmenit giảm 57,8%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 36,5%; quặng zircon và tinh quặng zircon giảm 37,8%; dược phẩm giảm 14,9%; thức ăn gia súc giảm 13%...
Theo các doanh nghiệp, khó khăn nhất hiện nay vẫn là nhu cầu thị trường sụt giảm và chi phí sản xuất cao. Trong giai đoạn “nước rút” này, các doanh nghiệp công nghiệp đang nỗ lực, dồn sức tăng tốc hoạt động sản xuất.
Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh cọc bê tông ly tâm dự ứng lực và bê tông thương phẩm. Tính đến hết tháng 10, doanh nghiệp đã hoàn thành khoảng 85% kế hoạch năm 2023.
Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải cho biết: Để hoàn thành mục tiêu của năm, công ty đang tập trung các giải pháp như thực hiện tốt công tác bảo trì, nâng cấp thiết bị máy móc công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải tiến quy trình sản xuất; thu hút nguồn lực chất lượng cao và đào tạo tay nghề cho lao động. Công ty cũng thành lập bộ phận chuyên trách nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhằm đưa ra chiến lược hợp lý; thường xuyên kiểm tra và đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra.
Theo đánh giá của Sở Công thương Hà Tĩnh, trong tổng quan chung của ngành công nghiệp, những tháng cuối năm có nhiều yếu tố khả quan như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã hoạt động ổn định, sản xuất bia tăng trưởng khá, Nhà máy sản xuất Pin VinES đã vận hành thương mại, hoạt động xây dựng kéo theo tăng trưởng ngành công nghiệp khai khoáng...
Theo ông Lê Xuân Từ - Phó Giám đốc Sở Công thương, nhiều giải pháp đã được triển khai để hoàn thành mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tăng trưởng trên 11%. Theo đó, đơn vị thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất; tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn; triển khai hiệu quả các đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy các dự án công nghiệp đang thực hiện...
Ngọc Loan