Cà Mau là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về nuôi tôm, chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Tỉnh đang từng bước phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm vươn tầm khu vực và quốc tế….
Mô hình rừng- tôm kết hợp đã phát huy được hiệu quả và mang tính bền vững - Ảnh minh hoạ
Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ nghề nuôi tôm của Việt Nam, diện tích nuôi tôm đạt hơn 700.000 ha, sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn (chiếm khoảng trên 90% về diện tích và 95% về sản lượng nuôi tôm nước lợ của cả nước).
Trong đó, Cà Mau là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về nuôi tôm, với diện tích nuôi tôm gần 280.000 ha, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước.
Nuôi tôm của Cà Mau đã phát triển khá nhanh trong thời gian qua với nhiều loại hình nuôi khác nhau, góp phần tăng sản lượng và giá trị ngành tôm. Tỉnh đang triển khai các loại hình nuôi tôm như: nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh; nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng, tôm quảng canh kết hợp.
Xác định được tầm quan trọng của liên kết chuỗi nuôi tôm, trong suốt thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã không ngừng thúc đẩy các mối liên kết chuỗi giá trị nhằm đưa ngành tôm phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp Cà Mau đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân xây dựng, hình thành vùng nuôi tôm được cấp chứng nhận hữu cơ, sinh thái (trong nước và quốc tế), với sự tham gia của 7 công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm với tổng diện tích hơn 23.000 ha/4.000 hộ. Trong đó vùng nuôi tôm rừng 22.600 ha, tôm lúa 565 ha. Sản lượng hàng năm đạt khoảng từ 8.000 - 10.000 tấn.
Ngành tôm Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiều năm liền, dẫn đầu về diện tích, sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, ngành tôm đóng góp khoảng 88,78% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1.070 triệu USD. Đến cuối năm 2023, sản lượng tôm nuôi ước đạt 233.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD.
Hiện tôm Cà Mau được xuất khẩu sang 5 thị trường lớn nhất gồm: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nhằm thúc đẩy, quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh với bạn bè trong và ngoài nước, vừa qua tỉnh Cà Mau tổ chức Festival Tôm và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc sự kiện Festival Tôm Cà Mau ngày 10/12, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 của nước ta ước đạt hơn 53 tỉ USD, trong đó xuất khẩu tôm khoảng 3,6 tỉ USD. Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ 2 trên thế giới, xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia. Riêng tỉnh Cà Mau đã đóng góp khoảng 1 tỉ USD về xuất khẩu tôm, chiếm 28% cả nước và duy trì ở mức 1 tỉ USD trong 3 năm gần đây.
“Ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài nuôi siêu thâm canh, tỉnh còn có những mô hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm - lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng để phát triển hiệu quả và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm. Bên cạnh đó là xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Sự kiện Festival tôm Cà Mau đã tạo ra nhiều cơ hội giao lưu, quảng bá thương hiệu và kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Qua thống kê sơ bộ, tổng khách đến với sự kiện đạt hơn 40.000 lượt.
UBND tỉnh Cà Mau nhận định Festival Tôm năm 2023 chính là tiền đề, cơ sở quan trọng để tỉnh Cà Mau hướng tới xây dựng Festival Tôm thành sự kiện lớn, một thương hiệu quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Từ đó, từng bước đưa Cà Mau trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước, là điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước.
Cà Mau có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, ngư trường rộng lớn khoảng 80.000 km2, nguồn lợi thủy sản phong phú.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Cà Mau, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tại tỉnh trong tháng 11/2023 ước đạt 53.240 tấn, tăng 1,35% so cùng kỳ. Trong đó: tôm 19.440 tấn, tăng 6,01% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2023 ước đạt 580.684 tấn, tăng 3,17% so cùng kỳ; trong đó tôm 222.625 tấn, tăng 6,34% so cùng kỳ.