Nguyên nhân khiến USD rớt giá mạnh là tín hiệu chính sách tiền tệ trái ngược giữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB): Fed dự kiến bắt đầu giảm lãi suất trong năm 2024, trong khi ECB vẫn giữ quan điểm cứng rắn...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Đồng USD giảm giá xuống mức thấp nhất so với đồng euro và thấp nhất hơn 4 tháng so với đồng yên Nhật, khi giới đầu tư ồ ạt bán tháo bạc xanh trong phiên giao dịch ngày 14/12. Nguyên nhân khiến USD rớt giá mạnh là tín hiệu chính sách tiền tệ trái ngược giữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB): Fed dự kiến bắt đầu giảm lãi suất trong năm 2024, trong khi ECB vẫn giữ quan điểm cứng rắn.
Lập trường xoay trục sang mềm mỏng của Fed gây áp lực mất giá lên đồng tiền chung châu Âu. Trái lại, đồng euro cũng như đồng bảng Anh được hỗ trợ khi cả ECB và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều nhấn mạnh phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ cuối cùng của năm 2024 vào ngày thứ Tư tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng chiến dịch nâng lãi suất có thể đã kết thúc và đã đến lúc Fed có thể thảo luận vấn đề giảm lãi suất. Dự báo lãi suất “dot plot” của Fed dự kiến 3 lần giảm lãi suất trong năm tới, với tổng mức cắt giảm 0,75 điểm phần trăm.
“Ngày hôm qua, Fed đã rất mềm mỏng. Sự đồng thuận mạnh mẽ trên thị trường trước cuộc họp của Fed là ông Powell sẽ đưa ra một quan điểm cân bằng. Nào ngờ, ông Powell còn làm gấp đôi kỳ vọng đó, ông ấy rất mềm mỏng”, chiến lược gia trưởng Athanasios Vamvakidis của BofA Global Research nhận định với hãng tin Reuters.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,89% trong phiên ngày thứ Năm, chốt phiên ở mức 101,95 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số còn 101,76 điểm, thấp nhất kể từ hôm 10/8. Mức giảm được thu hẹp sau khi số liệu thống kê từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ bất ngờ tăng trong tháng 11.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng khoảng 80% Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, và giảm tổng cộng 1,5 điểm phần trăm trong cả năm 2024. Lượng cắt giảm như vậy tương đương 6 lần giảm lãi suất nếu mức giảm mỗi lần là 0,25 điểm phần trăm.
“Trong 6 tuần trở lại đây, thị trường đã đi đến một quan điểm cho rằng lạm phát sẽ không dai dẳng. Giờ đây, các ngân hàng trung ương xác nhận điều đó”, trưởng phân tích Adam Button của ForexLive nhận định. “Thị trường đang dịch chuyển dựa trên ý tưởng rằng lãi suất sẽ giảm dần về mức thấp. Ý tưởng về một bức tranh lớn là chúng ta sẽ quay trở lại với trạng thái tăng trưởng thấp và lạm phát thấp như thời những năm 2010, thay vì bước vào một thời kỳ lạm phát biến động như thập niên 1970”.
Đồng euro tăng giá 1,08% so với USD trong phiên ngày thứ Năm, đạt mức 1,0991 USD đổi 1 USD, cao nhất kể từ hôm 29/11.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày thứ Năm, cũng là cuộc họp cuối cùng của ECB trong năm nay, cơ quan này giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục 4%, so với mức âm 0,5% vào tháng 7/2022 - thời điểm trước khi ECB bắt đầu khởi động chu kỳ thắt chặt này.
Tuyên bố sau cuộc họp của ECB cho thấy nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nhằm đẩy lùi đặt cược vào khả năng sớm cắt giảm lãi suất. Tuyên bố khẳng định lãi suất sẽ duy trì ở mức kỷ lục cho dù kỳ vọng lạm phát giảm xuống.
“ECB không thể mềm mỏng hơn sự xoay trục ngày hôm trước của Fed. ECB tiếp tục phát tín hiệu rằng việc tăng lãi suất đã hoàn tất nhưng dự báo kinh tế cập nhật của họ cho thấy không có lý do gì để vội vã dịch chuyển sang một chính sách tiền tệ bớt thắt chặt hơn”, chiến lược gia trưởng Samuel Zief của JPMorgan Private Bank nhận định.
Đồng bảng Anh tăng giá 1,11% trong phiên ngày thứ Năm so với USD, đạt mức cao nhất kể từ hôm 22/8. Cú tăng này diễn ra sau khi BOE công bố quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% và nói rằng lãi suất cần giữ ở mức cao “trong một khoảng thời gian dài”.
“Thông điệp chính vẫn là lãi suất sẽ giữ cao hơn lâu hơn, đẩy lùi sự đặt cược của thị trường vào việc sớm cắt giảm lãi suất”, chuyên gia Vamvakidis của BofA nhận định về kết quả cuộc họp của BOE.
Cùng ngày thứ Năm còn có cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) - cơ quan cũng giữ nguyên lãi suất ở mức 1,75% và thừa nhận áp lực lạm phát đã giảm nhẹ trong quý vừa qua. Đồng USD giảm giá 0,63% so với franc Thuỵ Sỹ, xuống mức thấp nhất kể từ hôm 27/7.
Tỷ giá đồng yên Nhật đạt mức cao nhất kể từ hôm 31/7, với tỷ giá đồng USD có lúc giảm 0,68% so với yên, còn 141,94 yên đổi 1 USD.
Cuộc họp sắp tới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ diễn ra vào ngày 18-19/12. Cho tới hiện tại, kỳ vọng BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm trong lần họp này gần như đã không còn. Tuy nhiên, vẫn có khả năng BOJ điều chỉnh nội dung tuyên bố, chẳng hạn điều chỉnh nội dung quen thuộc nói rằng BOJ sẽ không ngại nới lỏng thêm chính sách tiền tệ nếu cần thiết - theo chiến lược gia Masafumi Yamamoto của Mizuho Securities.
Một sự thay đổi như vậy có thể được coi là “một bước tiến tới bình thường hoá, nên có thể có lợi cho tỷ giá đồng yên”, ông Yamamoto nhấn mạnh. Gần đây, đồng yên hồi giá mạnh do kỳ vọng rằng BOJ có thể bắt đầu thắt chặt chính sách trong năm 2024.