Tính đến tháng 11/2023, diện tích lũy kế nuôi cá tra của Đồng Tháp ước đạt 2.450ha, đạt 111,3% so với kế hoạch năm, tăng 17,3% so cùng kỳ.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất ĐBSCL với trên 2.500ha, chiếm trên 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Đồng Tháp so với cả nước chiếm khoảng gần 40%; cung cấp hàng năm khoảng 60% sản lượng cá tra giống cho vùng ĐBSCL.
Tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn cá tra là một trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và triển khai xây dựng nhiều mô hình chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra, mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Tính đến tháng 11/2023, diện tích lũy kế nuôi cá tra của Đồng Tháp ước đạt 2.450ha, đạt 111,3% so với kế hoạch năm, tăng 17,3% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 505.000 tấn; xuất khẩu ước đạt 270.077 tấn; kim ngạch ước đạt 847 triệu USD và đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản (chủ yếu là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu) với tổng công suất thiết kế khoảng hơn trên 500.000 tấn/năm, thu hút hơn 25.000 lao động.
Ông Huỳnh Tất Đạt thông tin thêm, nhằm hướng tới nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng cá tra, phát triển sản xuất cá tra thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 309/KH-UBND về phát triển cá tra tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.