Thổ Nhĩ Kỳ và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã tiết kiệm được khoảng 2 tỷ USD trên hóa đơn năng lượng vào năm 2023, bằng cách tăng nhập khẩu dầu và các sản phẩm tinh chế giảm giá của Nga, do đó Ankara lại càng muốn mua nhiều hơn từ nước láng giềng Nga bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu LSEG và các nhà giao dịch.
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga ở Tây bán cầu, sau khi cuộc xung đột ở Ukraine khiến các nước châu Âu phải dừng hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Trung Quốc và Ấn Độ đã nhập khẩu khối lượng từ Nga lớn hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, do Ankara có vị trí gần các cảng của Nga, điều đó có nghĩa là họ đang tiết kiệm được nhiều hơn so với những người mua khác, nhờ cước phí vận chuyển hàng hóa rẻ hơn.
Dữ liệu LSEG và tính toán của Reuters cho thấy xuất khẩu dầu thô Urals của Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 400.000 thùng/ngày (bpd) vào tháng 11 năm 2023, chiếm khoảng 14% tổng lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga vào tháng trước.
Bộ Năng lượng Nga từ chối bình luận. Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, Turpas và nhà máy lọc dầu STAR đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Các nguồn cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ tăng thêm trong những tháng tới, sau khi nhà khai thác dầu tư nhân Lukoil của Nga ký thỏa thuận với công ty Socar của Azerbaijan, để tinh chế tới 200.000 thùng dầu mỗi ngày, tại nhà máy lọc dầu STAR Thổ Nhĩ Kỳ của Socar, các nguồn tin giao dịch cho biết.
Ngoài nguồn cung dầu thô tăng, nhập khẩu dầu diesel, dầu sưởi, nhiên liệu máy bay phản lực và hàng hải của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 200% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2023, lên khoảng 0,29 triệu thùng mỗi ngày.
Dữ liệu LSEG cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 11, Nga đã cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 13 triệu tấn sản phẩm chưng cất, trong đó có 8,6 triệu tấn dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cực thấp (ULSD 10ppm), tăng so với 4,3 triệu tấn sản phẩm chưng cất trong đó có 3,2 triệu tấn ULSD trong cùng kỳ năm 2022.
Theo các thương nhân, trong năm nay Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang trả ít hơn từ 25 đến 150 USD cho một tấn dầu diesel của Nga (3,3-20 USD/thùng) so với giá của các loại tương tự ở Địa Trung Hải. Đối với dầu thô, nước này mua với mức chiết khấu từ 5-20 USD/thùng. Nhập khẩu năng lượng rẻ hơn đã giúp Ankara thu hẹp thâm hụt thương mại và giảm bớt áp lực lên đồng tiền của mình, vốn đã mất giá 30% từ đầu năm đến nay.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng xuất khẩu dầu diesel thêm 120%, lên 6,03 triệu tấn từ 2,75 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2023, theo dữ liệu của LSEG.
Nhiều nhà hoạt động và những người ủng hộ Ukraine đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ giúp Nga đưa sản phẩm của họ sang châu Âu một cách hiệu quả để luồn lách các lệnh trừng phạt. Nước này phủ nhận các cáo buộc, và cho biết họ đang xuất khẩu nhiên liệu được tinh chế từ nhiều loại dầu thô khác nhau.
Dầu thô "ngọt" nhất
Ấn Độ, quốc gia cũng từ chối tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Moscow, đã tăng nhập khẩu dầu của Nga lên 77% trong năm nay. Theo tính toán dựa trên dữ liệu của Chính phủ, nước này đã tiết kiệm được khoảng 2,7 tỷ USD từ việc nhập khẩu dầu của Nga trong 9 tháng đầu năm 2023. Nhưng Ấn Độ đã nhập khẩu khối lượng dầu lớn hơn nhiều từ Nga, đạt mức 1,7 triệu thùng/ngày, nghĩa là mức tiết kiệm trên mỗi thùng của Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn nhiều.
Các thương nhân cho biết những khoản tiết kiệm này là nhờ phí vận chuyển, vì họ ước tính hiện tại chi phí để đưa một tàu chở dầu của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ là 6 triệu USD, thấp hơn so với 9 triệu USD đến Ấn Độ.
Nhà phân tích Viktor Katona của Kpler cho biết các nhà máy lọc dầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một trong những nhà máy có lợi nhuận cao nhất ở Địa Trung Hải, kể từ khi lệnh trừng phạt Nga được áp dụng vào tháng 2 năm 2022.
Ông Katona cho biết nhà lọc dầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ Tupras có tổng tỷ suất lợi nhuận là 30 USD/thùng trong năm qua, cao hơn 6 USD/thùng so với tỷ suất lợi nhuận trung bình của một nhà máy lọc dầu phức hợp ở Địa Trung Hải.
Moscow và Ankara cũng đang thảo luận về việc thành lập một trung tâm cung cấp khí đốt của Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi EU giảm mạnh lượng khí đốt mua từ Nga. Kế hoạch này thể hiện mong muốn lâu dài của Ankara là trở thành một trung tâm phân phối năng lượng lớn cho miền nam châu Âu.
Nga coi trung tâm này là một cách để định tuyến lại hoạt động xuất khẩu khí đốt từ châu Âu, hoặc gián tiếp bán một số khí đốt sang EU.