Việc Quảng Bình vừa nhận được 82,4 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon một lần nữa cho thấy tiềm năng về carbon rừng ở nước ta là rất lớn, đồng thời gợi suy nghĩ về việc hình thành thị trường tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon là đơn vị đo lường sử dụng để giới hạn lượng khí thải carbon mà một doanh nghiệp được thải ra môi trường. Đây được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng khí CO2 nhất định hoặc khí thải nhà kính khác. Một tín chỉ carbon tương đương với một tấn khí CO2 (hoặc khí thải khác) được thải ra môi trường.
Khoản tiền đầu tiên Quảng Bình thu được từ bán tín chỉ carbon của rừng là một phần kết quả của quá trình hợp tác giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc bán tín chỉ carbon của các vùng rừng thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong đó, Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế và được chi trả khoảng 235 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2025. Riêng năm 2023, Quảng Bình được nhận 82,4 tỷ đồng. Sau khi trích 2,4 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình, 80 tỷ đồng còn lại được chi trả cho các đối tượng hưởng lợi, trong đó có gần 11.000 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng; 16 chủ rừng là tổ chức…
Nước ta có tỷ lệ che phủ rừng khá cao so với thế giới, khoảng hơn 42%, trong khi trung bình thế giới khoảng 31%. Cụ thể hơn, cả nước có khoảng 14,7 triệu hécta rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu, còn lại là rừng trồng. Việc bảo vệ gìn giữ diện tích đó đem lại giá trị to lớn trong tương lai, vì tín chỉ carbon từ rừng khoảng 612 triệu tấn - đây là con số rất lớn.
Nước ta có 2 dự án bán tín chỉ carbon ra quốc tế. Ngoài việc bán tín chỉ carbon của các vùng rừng thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ kể trên còn có một thỏa thuận khác tương tự ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026. Điều này cho thấy các bộ, ngành liên quan và chính quyền một số địa phương đã bắt đầu tham gia thị trường tín chỉ carbon quốc tế với nguồn giảm phát thải là rừng tự nhiên thuộc Nhà nước quản lý hoặc giao khoán cho dân chăm sóc bảo vệ. Phương thức ở đây là “bán buôn”, hay nói cho đúng hơn là xuất khẩu tín chỉ carbon cho một số tổ chức quốc tế họ làm trung gian bán lại cho nước ngoài.
Vậy còn hộ gia đình, các doanh nghiệp có đầu tư trồng rừng, điện mặt trời hay điện gió, chủ trang trại rừng nhỏ lẻ bán tín chỉ carbon cho ai; các nhà máy sắt thép, xi măng trong nước vài năm nữa phải đi mua thì mua của ai - nếu thị trường tín chỉ carbon nội địa chưa được hình thành? Có thị trường giao dịch tín chỉ carbon, các doanh nghiệp mới có thể xác lập được kế hoạch đầu tư, trong tương lai, thậm chí tính toán được phần doanh thu có thể có từ việc bán tín chỉ carbon. Hơn nữa, nếu ngoài thu hoạch lâm sản, chủ rừng còn có thu nhập từ bán tín chỉ carbon với nguồn thu không hề nhỏ thì phong trào đầu tư trồng rừng sẽ tăng mạnh, ích lợi cho môi trường sinh thái.
Để thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon, hướng đến phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 (Net Zero), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm phát thải, bảo vệ tầng ozon. Nghị định đã quy định từ năm 2025, sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 thì chính thức vận hành. Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp muốn mua bán tín chỉ phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, việc mua bán hiện nay chưa có quyết định cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang nghiên cứu mô hình sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sao cho phù hợp nhất.
Thực tế, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia trên thế giới vẫn còn rất mới. Nhiều quốc gia đang phát triển cũng vừa “thử và sai”. Trong đó, Trung Quốc thử nghiệm mô hình thị trường tín chỉ carbon ở nhiều cấp độ quy mô khác nhau, từng thành phố, từng khu vực và rộng hơn là cả quốc gia. Phương pháp này chúng ta có thể học hỏi trong quá trình xây dựng thị trường tín chỉ carbon.