Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm của cả thế giới khoảng 120 triệu tấn, trong đó Trung Quốc đứng đầu nắm giữ 44 triệu tấn, xếp thứ hai là Việt Nam 22 triệu tấn.
Thống kê của Fortune Business Insights, trong năm 2022 quy mô thị trường đất hiếm đạt khoảng 9,5 tỷ USD, và dự kiến tăng lên mức 20,9 tỷ USD vào năm 2028, với tỷ lệ tăng trưởng kép giai đoạn 2022-2028 là 14,04%/năm.
Trên thị trường đất hiếm giai đoạn 2008-2018, Trung Quốc xuất khẩu gần 408.000 tấn đất hiếm, chiếm 42,3% tổng lượng xuất khẩu đất hiếm toàn cầu. Năm 2018, Trung Quốc cung ứng hơn 80% nhu cầu đất hiếm cho Mỹ, tương tự cung ứng cho Nhật Bản 58%, Hàn Quốc 57% và EU 55%.
Điều này cho thấy trên thị trường đất hiếm, Trung Quốc đang cầm trịch việc chi phối với mục tiêu “Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”. Trong những năm 1990-2000, Trung Quốc đã tính xa bằng việc đưa ra chính sách, các công ty nước ngoài liên doanh trong lĩnh vực khai thác đất hiếm phải chia sẻ công nghệ cho phía Trung Quốc, và nay họ đã thành công trong lĩnh vực công nghệ.
Năm 2010, Trung Quốc đã bắt đầu cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, khiến cho các quốc gia khác tiêu thụ đất hiếm tìm nguồn cung thay thế. Nhật Bản chọn đối tác Lynas của Australia để hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm vào năm 2011.
Phía Mỹ, tái khởi động mỏ Mountain Pass vào năm 2017, và lên kế hoạch liên doanh với Lynas xây dựng nhà máy tinh chế đất hiếm ở Texas từ năm 2021. Tương tự, EU cũng đẩy mạnh việc tái chế đất hiếm, còn Hàn Quốc tăng nhập khẩu từ Nhật Bản.
Nhưng dù gì đi nữa, Trung Quốc vẫn luôn nắm thế chủ động trong chi phối đất hiếm. Bởi lẽ nếu cả thế giới đang tiến đến loại bỏ nguyên nhiên liệu hóa thạch và thay thế bằng năng lượng tái tạo, nhằm giảm dần ô nhiễm bằng không để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh, thì ứng dụng trong các máy phát điện gió và động cơ ô tô điện rất cần một số loại đất hiếm như Neodymi (Nd), Praseodymi (Pr), Dysprosi (Dy), Terbi (Tb) để làm nam châm vĩnh cửu cường độ cao.
Vậy với trữ lượng đất hiếm 22 triệu tấn cùng chính sách kinh tế cởi mở, Việt Nam có lợi thế gì và cần tận dụng như thế nào? Hiện Việt Nam đang được các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhắm đến như một mắt xích mới trong chuỗi cung ứng đất hiếm, giảm sự phụ thuộc Trung Quốc.
Nhưng theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, hiện các đối tác nước ngoài vẫn chưa có đề xuất, hợp tác cụ thể. Bởi lẽ Việt Nam chỉ mới tiến hành khai thác nhỏ lẻ một số mỏ ở tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái, nhưng chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng khoảng 30%, chưa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu (phải có mức độ tinh chế từ 95% trở lên).
Điều này cho thấy muốn phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, chúng ta còn rất nhiều việc cần làm.
Theo GS. Nguyễn Quang Liêm, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhiều khả năng nhu cầu đất hiếm của thế giới sẽ giảm sút sau thời điểm năm 2050. Trong khi thời gian để triển khai một dự án khai thác đất hiếm với quy mô thương mại ở Việt Nam không dưới 10 năm. Như vậy chúng ta chỉ có khoảng gần 20 năm tham gia vào giai đoạn bùng nổ của thị trường đất hiếm toàn cầu.
Do vậy, cần định ra những bước đi cụ thể khai thác tiềm năng đất hiếm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong chuỗi cung ứng đất hiếm, phần mang lại lợi nhuận lớn nhất không nằm ở việc tạo ra đất hiếm tinh chế, mà nằm ở các sản phẩm công nghệ ứng dụng đất hiếm.
Chẳng hạn, một turbine điện gió 2,5 MW cần nửa tấn đất hiếm, trị giá khoảng 50.000 USD, trong khi giá bán một turbine điện gió loại này dao động từ 2-4 triệu USD. Do vậy muốn khai thác khoáng sản đất hiếm mang lại giá trị cao, phải xây dựng được các ngành công nghiệp sử dụng đất hiếm.
Hay một minh chứng nữa là mỗi chiếc iPhone của Apple đều dựa vào nhiều nguyên tố đất hiếm. Hay Neodymium được sử dụng để tạo ra những nam châm nhỏ nhưng cực mạnh cho phép loa iPhone hoạt động; Europium được sử dụng với lượng nhỏ để tạo ra màu đỏ trên màn hình, và xeri được sử dụng để đánh bóng điện thoại trong quá trình sản xuất.
Lợi thế và lợi nhuận cực kỳ lớn, nhưng nếu chúng ta chỉ biết khai thác thô mà không đầu tư, sẽ không chỉ thu được nguồn lợi ít mà còn gây hại cho môi trường.