• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
21 Tháng Giêng 2025 4:58:55 SA - Mở cửa
Bắc Kạn thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng tại chỗ
Nguồn tin: Đài tiếng nói VN | 28/12/2023 2:30:00 CH
Việc thiếu nguồn cung tại chỗ khiến các công trình xây dựng tại tỉnh Bắc Kạn phải nhập vật liệu từ tỉnh ngoài với giá khá cao do đội chi phí vận chuyển. Do đó, việc tìm một giải pháp căn cơ cho vấn đề này là bài toán đặt ra với địa phương.
 
Tỉnh Bắc Kạn hiện có 9 mỏ khai thác, 5 cơ sở cát nghiền, tuy nhiên đều có quy mô nhỏ nên chỉ đáp ứng chưa đến 40% nhu cầu cát xây dựng. Hơn nữa, chất lượng cát cũng không cao, phần lớn chỉ dùng làm cát lót hoặc cát bê tông, còn các loại cát xây, trát thì phải nhập từ Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc... Quãng đường vận tải xa, đường đồi núi khó đi nên chi phí cho một m3 cát xây dựng khi đến công trường thường gấp 2-3 lần so với các địa phương khác.
 
 
“Giá thành tương đối cao một phần do giải phóng mặt bằng với người dân, hơn nữa địa hình không có điều kiện tích tụ như miền xuôi, mỏ đào xuống 1-2m đã đến gập gềnh, buộc phải di chuyển chỗ khác, rất vất vả, tốn kém. Trữ lượng cát sỏi chỉ khoảng 18-20%, chỗ nào cao được khoảng 25-30%, nên chúng tôi tập trung sang mảng nghiền sỏi...", anh Nguyễn Thành Biên, quản lý của một doanh nghiệp khai thác cát tại Bắc Kạn cho biết.
 
 
Dù là tỉnh miền núi Bắc Kạn vẫn đứng trước nguy cơ thiếu đá làm vật liệu xây dựng
 
Không chỉ thiếu cát, tình trạng thiếu đá phục vụ xây dựng cũng diễn ra dù Bắc Kạn có khoảng 20 mỏ khai thác đá. Nguyên nhân do các mỏ đều quy mô nhỏ, sản lượng đăng ký khai thác hàng năm thấp, vị trí phân bố lại không đều nên khi nhu cầu tăng đột biến, các mỏ tại chỗ không đáp ứng kịp. Hiện các đơn vị cũng không đầu tư nâng quy mô sản xuất do thị trường chủ yếu phục vụ công trình sử dụng ngân sách nhà nước, trong khi nhu cầu dân dụng không lớn.
 
Theo Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, địa phương này cần khoảng 430 triệu viên gạch/năm; 444.000m3 cát/năm và khoảng 1,8 triệu m3 đá/năm. Với 12 nhà máy hiện có, Bắc Kạn mới đáp ứng khoảng 58% nhu cầu về gạch, khoảng hơn 20% nhu cầu về đá và khoảng 40% nhu cầu về cát xây dựng. Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025 cũng xác định, sẽ tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, chủ yếu có nguồn nguyên liệu tại chỗ như gạch không nung, cát sỏi, đá, bê tông, cát nghiền từ mỏ vật liệu có sẵn nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ và hướng đến thị trường ngoài tỉnh.
 
 
Nhà máy gạch tuynel tại huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn
 
“Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục thăm dò và hoàn thiện thủ tục cấp mỏ cho các doanh nghiệp có quan tâm. Với các mỏ đã và đang thực hiện động viên doanh nghiệp duy trì sản lượng, nếu mỏ còn trữ lượng đề nghị nghiên cứu mở rộng diện tích, nâng công suất. Đồng thời, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến sản xuất các loại vật liệu mới như vật liệu nhẹ, các loại vật liệu mới như cát nhân tạo, gạch không nung…”, bà Hoàng Thị Thúy, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Kạn nói.
 
Để đáp ứng nhu cầu trong xây dựng, Bắc Kạn đang đẩy mạnh sản xuất vật liệu mới, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, với các loại cát nghiền chi phí đầu tư rất lớn, trong khi sản phẩm vẫn chưa được người dân tin dùng. Hay như với gạch không nung, hiện phần lớn vẫn chỉ có các công trình vốn ngân sách sử dụng, trong khi người dân vẫn chủ yếu dùng gạch nung truyền thống dẫn đến tình trạng một số nhà máy gạch không nung quy mô lớn tại Bắc Kạn đã phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
 
 
Sản phẩm gạch bê tông của ông Vũ Quốc Cự khó tiếp cận thị trường dân dụng
 
“Dây chuyền gạch bê tông hay gọi là xi măng cốt liệu của chúng tôi quy mô 21 triệu viên/năm, ra đời năm 2016. Khi ấy rất vui vì tỉnh đang dần xóa bỏ lò gạch thủ công, đến 2018 thì xóa hẳn. Lúc ấy, gạch của chúng tôi bắt đầu có mặt tại các công trình xây dựng nhà nước, còn của dân thì rất ít. Nhưng khi dân vừa mới quen với loại vật liệu mới này thì tỉnh lại cấp phép cho xây dựng một số nhà máy gạch nung tuynel công suất lớn, chúng tôi nói vui là coi như “khai tử” nhà máy gạch không nung. Từ bấy giờ đến nay, chúng tôi thường chỉ duy trì khoảng 8,5% công suất”, ông Vũ Quốc Cự, đại diện một nhà máy gạch không nung tại thành phố Bắc Kạn chia sẻ.
 
 
Hiện nhiều loại vật liệu xây dựng ở Bắc Kạn vẫn phải nhập từ các tỉnh lân cận
 
Theo kế hoạch đầu tư công đến 2025, Bắc Kạn sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông quy mô lớn, mang tính đột phá cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như khu vực. Do đó, cần sớm có các giải pháp nhằm đáp ứng nguồn cung vật liệu tại chỗ, đảm bảo ổn định, bền vững đồng thời gắn hiệu quả kinh tế với bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái.