Tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai trong 11 tháng của năm 2023 đạt gần 34,5 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng 5,75% kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) của cả nước. Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đạt 600 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu trên cho thấy, khả năng phục hồi sản xuất, XNK của Đồng Nai chậm hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là: giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, máy móc linh kiện và phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, xơ sợi dệt đều có mức độ suy giảm đơn hàng nhiều hơn so với những mặt hàng khác. Có những thời điểm doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng trên rất ít đơn hàng, phải cho nhiều lao động nghỉ việc luân phiên. Đến nay, đơn hàng doanh nghiệp nhận được chỉ bằng 60-80% so với đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, Đồng Nai là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành giày dép, dệt may, chế tạo cơ khí… cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu nên khi những ngành trên thiếu đơn hàng sản xuất sẽ kéo cả chuỗi bị ảnh hưởng. Vì thế, những năm trước, tổng kim ngạch XNK của Đồng Nai thường chiếm khoảng 8% của cả nước, nhưng năm nay khả năng chỉ bằng gần 6%.
Theo nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu đơn hàng cho sản xuất, đầu ra tại các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đều bị thu hẹp. Bên cạnh đó, các thị trường trên lại đưa ra những hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn cho hàng hóa nhập khẩu khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Trong bối cảnh trên, doanh nghiệp buộc phải tìm cách tái cơ cấu, đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nhân lực… để đáp ứng yêu cầu của khách hàng mới có thể cạnh tranh được với hàng hóa cùng loại đến từ các nước. Do đó, doanh nghiệp rất mong sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa trong xúc tiến thương mại để mở thêm các thị trường ngách, tăng tiêu thụ sản phẩm, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Về lâu dài, trong thu hút đầu tư, Đồng Nai nên tính toán để mời gọi được những doanh nghiệp lớn có doanh thu từ sản xuất, xuất khẩu, giá trị gia tăng cao. Như vậy sẽ góp phần lớn cho tăng trưởng, phát triển kinh tế của địa phương.