Trong nhóm các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, Trung Quốc là thị trường duy nhất đạt tăng trưởng dương trong 11 tháng qua. Những tháng cuối năm, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% sang mức tăng 6,2%.
Theo Bộ Công thương, tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm của Việt Nam trong 11 tháng vừa qua hầu như đều âm do tình hình khó khăn chung. Đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ ghi nhận kim ngạch 88 tỷ USD, tăng trưởng -13,1% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Châu Âu cũng ghi nhận mức tăng trưởng -8,1% sau 11 tháng, đạt kim ngạch 40 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong nhóm chỉ có duy nhất thị trường Trung Quốc đạt tăng trưởng dương. Hồi đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm 2,2%; tuy nhiên trong 4 tháng cuối năm đã có sự đảo chiều, ghi nhận tăng trưởng dương 6,2%.
Mức tăng này được cho là chủ yếu đến từ các mặt hàng nông sản nhận được sự đón nhận tốt hơn từ thị trường tỷ dân.
Xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn duy trì được tăng trưởng dương.
Số liệu thống kê của hải quan cho thấy, tính từ đầu năm đến hết tháng 10, xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc đạt 3,18 tỷ USD, tăng đến 164% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng từ 44% hồi năm 2022 lên 66% trong năm 2023.
Trong các loại rau quả, sầu riêng đang là mặt hàng được thị trường này đón nhận mạnh nhất với giá trị xuất đi sau 10 tháng đạt mức cao kỷ lục từ 450 đến 500 triệu USD.
Theo thông tin từ Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong tháng 10/2023 công ty này đã xuất bán 39.100 tấn chuối và 442 tấn sầu riêng…, chủ yếu qua thị trường Trung Quốc, mang về doanh thu 410 tỷ đồng. Dự báo đến hết cuối năm xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn tiếp tục neo cao, tổng kim ngạch xuất khẩu năm của mặt hàng này có thể lên đến 2,4-2,5 tỷ USD.
Bên cạnh sầu riêng, mặt hàng thủy sản Việt Nam hiện cũng dịch chuyển kim ngạch xuất khẩu dần từ Mỹ sang Trung Quốc. Tính đến tháng 10, xuất khẩu thủy sản của VN vào Mỹ và Trung Quốc cùng đạt 1,3 tỷ USD; tuy nhiên mức sụt giảm của thị trường Mỹ đến 33% trong khi Trung Quốc chỉ giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) báo cáo, tính đến hết tháng 11, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh từ nay đến tháng 2/2024 để phục vụ mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bên cạnh các mặt hàng nông sản thì một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, cũng có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang Trung Quốc.
Dự báo sang đến 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường tỷ dân vẫn sẽ có nhiều dư địa. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt cần chú trọng tới vấn đề chất lượng sản phẩm để đảm bảo sản xuất bền vững vì thị trường này không còn dễ tính như trước. Vụ việc tôm hùm bông bị Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu để kiểm tra, đánh giá lại gần đây là một minh chứng rõ nét.
Bên cạnh đó, về phía người dân, TS. Trà My, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp VN lâm thời tại Trung Quốc cũng nhận định, các hộ sản xuất cần bình tĩnh theo dõi thị trường, nuôi trồng có kế hoạch, tránh triển khai nuôi trồng ồ ạt để đáp ứng thị trường một cách nhất thời mà không suy tính đến lâu dài.
“Nông dân cũng cần bình tĩnh tìm hiểu và nắm bắt thông tin tốt hơn để tránh tình trạng như cây thanh long hiện nay rất khó tiêu thụ. Việc lao theo mở rộng diện tích vùng trồng sầu riêng sẽ mang lại nhiều hệ lụy không tốt.” TS. Trà My nói.
Bích Tâm