Nhà phân tích Edward Moya cho hay Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi chi tiêu tiêu dùng cá nhân có xu hướng giảm mạnh.
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên chiều 10/2, nối tiếp đà giảm trên Phố Wall trong bối cảnh nỗi lo về việc lãi suất tăng lan khắp các sàn giao dịch sau báo cáo việc làm bất ngờ của Mỹ trong tuần trước.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Hong Kong. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau khi Phố Wall lao dốc, hầu hết thị trường châu Á cũng trong vùng đỏ. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,8% xuống 21.226,98 điểm trong bối cảnh các công ty công nghệ chịu sức ép bán ra lớn, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,3% xuống 3.260,67 điểm.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng giảm. Trong khi đó, tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,3% lên 27.670,98 điểm nhờ đồng yen suy yếu.
Mặc dù số liệu trong những tháng qua thể hiện lạm phát đang giảm xuống, song báo cáo việc làm cho thấy nền kinh tế vẫn mạnh, khiến một số quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cảnh báo cần phải làm nhiều hơn nữa để có thể kiểm soát được giá cả.
Sau khi trải qua tháng Một đầy sôi nổi với dự đoán Fed sẽ sớm kết thúc kế hoạch tăng lãi suất, sang tháng Hai, các nhà giao dịch buộc phải trở về với thực tế rằng lãi suất có thể tăng cao hơn nữa và duy trì ở mức đó trong một thời gian dài hơn dự kiến.
Mới đây, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Richmond Thomas Barkin tiếp tục cùng với các quan chức khác đã lên tiếng cảnh báo Fed phải duy trì kế hoạch tăng lãi suất nếu muốn đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, do chi phí đi vay vẫn đang cao, trong đó một số cảnh báo con số này có thể leo lên mức “đỉnh” của 20 năm ở mức 6%, thì ngày càng có nhiều quan ngại rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào suy thoái.
Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), nhận xét lạm phát gần như sẽ không thể kiểm soát nếu nền kinh tế không suy giảm. Xu hướng giảm phát sẽ vẫn còn nhưng khó có thể duy trì với một thị trường lao động mạnh và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Giá hàng hóa giảm nhưng các dịch vụ cốt lõi chưa giảm.
Ông Edward Moya nói thêm rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát của ngân hàng này, có xu hướng giảm mạnh. Và điều đó có thể không xảy ra cho đến mùa Hè này.
Các nhà phân tích cho biết việc công bố chỉ số giá tiêu dùng vào tuần tới sẽ là một điểm dữ liệu quan trọng, có thể đóng một vai trò lớn trong kế hoạch tăng lãi suất trong tương lai của Fed.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 0,82% xuống 1.055,80 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 1,15% xuống 208,50 điểm./.