Tuần qua, giá vàng trong nước và thế giới đều quay đầu giảm trong bối cảnh các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách lãi suất.
Ảnh minh họa.
Nội dung chính
-
Bị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chặn đà, vàng thế giới đồng loạt chững lại.
-
Giá vàng trong nước tiếp tục xuống thấp.
-
Bị bán tháo, giá vàng thế giới giảm sâu
Tuần trước là tuần giảm mạnh nhất của giá vàng thế giới kể từ tháng 10/2022 do kim loại quý này chịu áp lực chốt lời sau khi Mỹ công bố dữ liệu khả quan từ báo cáo việc làm.
Mở cửa phiên đầu tuần này, Quỹ Dự trữ vàng lớn nhất thế giới SPDR đã bán tháo 2,32 tấn vàng để chốt lời.
Ở phiên giao dịch ngày 8/2, giá kim loại quý thế giới đã có lúc tăng vọt lên 1.885 USD/ounce nhưng sau đó lại bất ngờ giảm đột ngột hàng chục USD/ounce. Nguyên nhân chính là tại một Câu lạc bộ Kinh tế ở Washington, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell, nhắc lại rằng lạm phát của Mỹ đã bắt đầu giảm nhưng vẫn còn một chặng đường dài để đáp ứng các mục tiêu giảm lạm phát. Đồng thời, ông này cho biết dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn có thể buộc FED phải tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến.
Phản ứng trước thông tin này, giới đầu tư tài chính đã dồn vốn vào cổ phiếu, đồng nghĩa với việc dòng tiền chảy vào kim loại quý bị hạn chế, khiến giá vàng gặp bất lợi.
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm trong ngày 9/2 do chỉ số PMI của Trung Quốc công bố tăng mạnh từ 47 điểm tháng 12/2022 lên 50,1 điểm vào tháng 1 năm nay, cao hơn mức dự báo là 49,8 điểm. Cùng với đó, một số tổ chức đã đưa ra mức điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc cao hơn dự báo trước đó. Những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trở thành điểm sáng toàn cầu năm nay đã khiến giới đầu tư chốt lời vàng, đẩy giá kim loại quý xuống.
Giá vàng trong nước và thế giới cùng quay đầu giảm.
Trong cuộc phỏng vấn với Kitco News, trưởng bộ phận phân tích Huw Roberts tại Quant Insight cho rằng việc điều chỉnh của vàng xuống dưới 1.900 USD/ounce sau khởi đầu tốt nhất trong một thập kỷ vào đầu năm có thể dừng lại vì vàng đang được định giá quá cao.
Ông cho biết thêm, tính ở mức cao nhất gần đây, vàng đang cao hơn khoảng 6,5% so với giá trị hợp lý của nó. Theo ông, mức hợp lý của vàng là 1.822 USD/ounce, do đó giá vàng có thể sẽ còn giảm nữa.
Ông cũng đồng quan điểm với nhiều chuyên gia khác khi cho rằng, đà tăng của vàng đang được thúc đẩy bởi nhu cầu mua vàng kỷ lục của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Giá kim loại quý đã thoát khỏi mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 11 sau khi Hội đồng vàng thế giới (WGC) báo cáo rằng các ngân hàng trung ương đã mua gần 400 tấn vàng trong quý đầu tiên.
Hiện tại, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 1.865 USD/Ounce (tương đương 53 triệu đồng/lượng). Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở chiều bán ra là khoảng 14,3 triệu đồng/lượng.
Vàng giao dịch vùng 67 triệu đồng/lượng
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (6/2), giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67,3 triệu đồng/lượng bán ra, giảm thêm 100.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước, sau khi đã mất ít nhất 1,1 triệu đồng/lượng vào tuần trước.
Tuần qua, giá vàng SJC tăng cao nhất ở phiên giao dịch 9/2. Cụ thể Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,7 – 67,5 triệu đồng/lượng.
Điều chỉnh theo đà giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước phiên 10/2 đồng loạt giảm 200.000 đồng/lượng ở các mặt hàng vàng miếng, vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại.
Cụ thể, tại các điểm kinh doanh vàng nhẫn, vàng trang sức niêm yết phổ biến ở mức 53,85 triệu đồng/lượng mua vào và 54,75 triệu đồng/lượng bán ra.