''Doanh nghiệp bất động sản đang có một đống tài sản lớn, cần bán đi để cơ cấu nợ, và vấn đề các anh bán giá bao nhiêu thôi, đáng lẽ 10 đồng giờ bán 6 đồng thôi, như vậy ngân hàng cũng sạch nợ", ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cũng kiến nghị
Ảnh minh hoạ
Trong một báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dẫn thông tin tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư của CTCP Đầu tư Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland) diễn ra vào ngày 10/02 cho biết: Novaland đang làm việc với các đơn vị tư vấn tài chính để tiến hành kế hoạch tái cơ cấu toàn diện bao gồm (1) đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lại lịch trả nợ, (2) tập trung phát triển các dự án trọng điểm và (3) cân nhắc khả năng bán bớt tài sản. Tuy nhiên, Novaland không công bố thêm thông tin về quá trình tái cơ cấu.
Trước đó, tại Hội nghị về công tác tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, đại diện của các nhà phát triển bất động sản hàng đầu, như Vingroup, Sungroup, Hưng Thịnh, Novaland cùng Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã đưa ra nhiều kiến nghị; trong đó, nhiều nhất vẫn tập trung vào đề xuất nới room tín dụng và điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản để hỗ trợ dòng tiền và khả năng tài chính cho các doanh nghiệp BĐS.
Hồi đáp lại các đề xuất của phía doanh nghiệp BĐS, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý và ngân hàng, nhiều ý kiến cũng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản nên bán bớt tài sản để cơ cấu lại nợ vay, giảm áp lực lên dòng tiền.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang vướng mắc ở việc tiếp cận tín dụng, trong khi các kênh huy động vốn khác cũng gặp khó.
Theo ông Sinh, để thị trường địa ốc phát triển một cách lành mạnh hơn thì không chỉ cần sự hỗ trợ từ phía ngân hàng mà ngay bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải có giải pháp.
Trước hết, các doanh nghiệp cần nghiên cứu các quy định, điều kiện, tiêu chí liên quan đến việc vay vốn tín dụng (phải có tài sản đảm bảo, dự án phải đầy đủ pháp lý,… thì ngân hàng mới giải ngân). Các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Thứ hai, các doanh nghiệp cũng nên cơ cấu lại các sản phẩm của mình, phải rà soát lại toàn bộ dự án bất động sản làm sao để phù hợp với nguồn lực, khả năng tài chính. Không thể nguồn lực chỉ có một mà lại thực hiện 5 – 7 dự án cùng một lúc thì sẽ vượt quá khả năng, dẫn đến khó khăn và thậm chí là phải bán bớt.
''Đề nghị các doanh nghiệp tới đây phải rà soát, bán bớt dự án để củng cố lại nguồn lực tài chính'', ông Sinh nói.
Để giải quyết vấn đề thanh khoản cho các doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cũng kiến nghị: ''Doanh nghiệp bất động sản đang có một đống tài sản lớn, cần bán đi để cơ cấu nợ, và vấn đề các anh bán giá bao nhiêu thôi, đáng lẽ 10 đồng giờ bán 6 đồng thôi, như vậy ngân hàng cũng sạch nợ".
Nói về vấn đề này, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, nhiều doanh nghiệp BĐS đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO; phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư; phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30 - 50%, không lo được lương tháng 13, nửa tháng lương 13 cũng không có, không có thưởng Tết; nhiều người người dân có nhu cầu nhưng cũng khó tạo lập được nhà ở.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp BĐS tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng.
''Năm 2023 là năm quyết định "sống còn" đối với các doanh nghiệp BĐS nếu không được hỗ trợ giải quyết nút thắt về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản. Trước hết là nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp BĐS mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn'', ông Châu cho hay.