• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 8:10:53 CH - Mở cửa
Vốn ngoại rời bỏ thị trường chứng khoán?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 21/02/2023 8:16:52 SA
Trong khoảng 2 tuần giao dịch trở lại đây, xu hướng mua ròng của khối ngoại đột ngột yếu ớt và chấm dứt. Trong khi đó, lãi suất vẫn duy trì ở mức cao cũng như mặt bằng định giá cổ phiếu đã cao hơn trước, làm dấy lên lo ngại dòng tiền khối ngoại sẽ tìm tới các kênh tài sản khác an toàn hơn.
 
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận tuần giao dịch hồi phục (13-17/2) nhờ lực cầu bắt đáy xuất hiện. Dù vậy, thanh khoản vẫn sụt giảm khi dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc. Giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tiếp tục giảm 9,5% về mức 9.999 tỷ đồng/phiên. Đáng chú ý, khối ngoại đã chính thức quay đầu bán ròng sau khi giá trị mua ròng giảm dần qua các tuần gần đây.
 
Quay đầu bán ròng
 
Cụ thể, khối này đã bán ròng 471 tỷ đồng trên sàn HoSE sau 5 phiên giao dịch. Trong đó, bán ròng 427 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và mua ròng 34 tỷ đồng thoả thuận. Như vậy, sau 4 tuần liên tiếp mua ròng, khối ngoại đã quay đầu bán ròng trên TTCK Việt Nam.
 
 
Khối ngoại đã quay đầu bán ròng sau khi giá trị mua ròng giảm dần qua các tuần gần đây. (Ảnh: Int)
 
Trước đó, trong báo cáo dòng vốn quỹ ngoại tại Việt Nam, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN) đánh giá, mặc dù trong tuần 6-10/2, khối ngoại vẫn duy trì hoạt động mua ròng với giá trị 880 tỷ đồng, nhưng con số này đã giảm một nửa so với tuần trước đó.
 
“Dòng vốn vào Việt Nam đã có dấu hiệu suy yếu trong 2 tuần trở lại đây và không còn lan rộng sang các quỹ ETF chủ đạo. Do vậy, hoạt động rút vốn khả năng cao sẽ quay trở lại trong những tuần giao dịch tiếp theo”, KISVN nhận định.
 
Có thể thấy, trong chu kỳ tiền rẻ khan hiếm, chứng khoán Việt đảo chiều lao dốc trở thành chỉ số rớt mạnh nhất thế giới năm 2022, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các quỹ ETF ngoại nói riêng đã bắt đầu gây ấn tượng mạnh mẽ, dẫn dắt thị trường hồi phục. Riêng 2 tháng cuối năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 28.807 tỷ đồng, đưa giá trị ròng cả năm đạt kỷ lục với giá trị 26.700 tỷ đồng.
 
Riêng trên HoSE, tổng giá trị giao dịch cả năm 2022 của khối ngoại đạt gần 670.000 tỷ đồng, chiếm hơn 7,9% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.
 
Đà mua ròng của khối ngoại vẫn duy trì tích cực trong tháng đầu của năm 2023 khi định giá VN-Index được cho là hấp dẫn nhất nhì khu vực.
 
Ngược chiều, nhà đầu tư cá nhân trong nước lại tháo chạy. Trong 3 tháng gần nhất (đến hết tháng 1/2023), nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng tới 37.377 tỷ đồng. Thậm chí, nếu tính riêng khớp lệnh, khối này đã bán ròng tới 42.537 tỷ đồng.
 
Không thể phủ nhận rằng, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài được cho là là “cứu cánh”. Với kỳ vọng đủ sức “cân” lệnh bán ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Tuy nhiên, sự suy yếu của dòng tiền này trong thời gian gần đây đang khiến thị trường dần lo ngại.
 
Không làm thay đổi xu thể mua ròng năm 2023?
 
Lý giải hiện tượng này, giới phân tích cho rằng, lượng mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua có đến 70% đến từ các quỹ ETF. Suốt từ tháng 4/2022, khi Vn-Index sụt giảm, nhóm này đã giải ngân và đỉnh điểm đạt kỷ lục vào tháng 11 đến tháng 12. Do đó, dư địa để giải ngân không còn nhiều dẫn đến tình trạng mua ròng nhỏ giọt hoặc đảo chiều bán, trừ khi các quỹ chủ động thu hút được lượng tiền mới.
 
Bên cạnh đó, hầu hết các ETF thường "tracking" theo chỉ số, khi thị trường tăng lên thì nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào, liên tiếp mua ròng nhưng đến thời điểm tháng 2 vừa qua, VN-Index đứng trước áp lực điều chỉnh giảm khiến nhà đầu tư phòng thủ giảm mua, quay ra bán.
 
Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng khối ngoại quay đầu bán ròng là có một phần yếu tố chốt lời sau nhịp mua ròng liên tục.
 
Chưa kể, mặt bằng định giá cao hơn đáng kể so với giai đoạn tháng 11/2022, nhất là khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phi tài chính có sự phân hóa rõ nét. Cho nên, dòng tiền của khối ngoại có xu hướng yếu đi là tương đối phù hợp.
 
Mặt khác, việc mặt bằng lãi suất giai đoạn vừa qua đã duy trì ở mức cao trong khi bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới vẫn đang trong giai đoạn “tranh tối, tranh sáng” cũng khiến dòng tiền chuyển dịch sang các lớp tài sản an toàn hơn như kênh tiền gửi.
 
Ông Trần Phong, chuyên gia tư vấn tài chính độc lập phân tích, vị thế của khối ngoại trong quá khứ cũng như hiện tại đang hồi sinh khi dòng tiền trong nước suy giảm. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đã tăng từ 10% năm 2020 – 2021 lên mức 20% - 30% từ giữa năm 2022 đến nay.
 
“Đà mua ròng của khối ngoại có thể chững lại trong nửa cuối tháng 2 và cả tháng 3, nhưng không làm thay đổi xu thế mua ròng tính theo bình diện cả năm 2023”, ông Phong nhận định.
 
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng trong quý III/2023 hoặc sớm hơn.
 
Theo khảo sát của A+ Fund, 100% quỹ đầu tư từ Anh, Đức, Đài Loan, Mỹ được hỏi đều đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường Việt Nam, trong khi tỷ lệ trước đây chỉ là 40%.
 
Trong đó, các quỹ đầu tư nước ngoài đang làm việc với A+ Fund bày tỏ sự quan tâm chủ yếu tới hai thị trường là Indonesia và Việt Nam khi đề cập về thị trường Đông Nam Á.
 
Dù vậy, các chuyên gia lưu ý, hiện vẫn tồn tại những rào cản khiến các quỹ e ngại trước quyết định rót vốn vào TTCK Việt Nam. Trong đó, điều khiến các quỹ này lo ngại nhất là tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất khi đầu tư tại thị trường Việt Nam là không có sản phẩm để mua. Cụ thể, cổ phiếu nằm trong lựa chọn của quỹ đầu tư phải đáp ứng về tính thanh khoản tốt, trong khi chỉ số ít đáp ứng điều kiện như cổ phiếu trong nhóm VN30, VN50.
 
Một yếu tố khác là nhà đầu tư nước ngoài đang chờ danh mục thị trường mới nổi (EM) và thị trường cận biên để có sự phân bổ. Điều này sẽ khiến dòng vốn đổ vào TTCK Việt chững lại.
 
“Khối ngoại là một ẩn số không thể bỏ qua trong mọi suy xét về xu thế của thị trường năm 2023”, ông Phong nói.