4 câu hỏi cần trả lời trước khi tham gia đầu tư chứng khoán
Để thành công trên con đường đầu tư chứng khoán đầy chông gai, ngoài sự thích thú, say mê, tò mò, bạn cần trang bị đầy đủ hành trang kiến thức để đầu tư hiệu quả. Chứng khoán không phải sân chơi cho những nhà đầu tư hấp tấp, vội vã.
Dưới đây, bài viết sẽ đem đến 4 câu hỏi bạn cần trả lời trước khi tham gia đầu tư để đảm bảo bản thân đã thực sự sẵn sàng cho một hành trình đầu tư hiệu quả. Cùng khám phá nhé!
Câu hỏi 1: Mục đích đầu tư của bạn là gì?
Mục đích đầu tư là việc cần hướng tới đầu tiên trước khi mở tài khoản chứng khoán.
Việc đề ra mục đích đầu tư rõ ràng sẽ giúp bạn định hướng đầu tư rõ ràng, đúng đắn, đồng nhất và có tính chiến lược. Rõ ràng, chiến lược đầu tư của người có nhiều thời gian, có mục đích sử dụng tiền lãi không gấp gáp sẽ khác biệt so với người đã lớn tuổi hay người chưa có tích luỹ.
Chẳng hạn, bạn mới 20 tuổi, bạn có mục đích đầu tư dài hạn để chuẩn bị cho việc tự do tài chính và nghỉ hưu sớm thì việc đầu tư chứng khoán, cổ phiếu là kênh đầu tư tiền nhàn rỗi phù hợp. Nếu có vấn đề không suôn sẻ trong quá trình đầu tư, bạn hoàn toàn có thời gian để thay đổi và khắc phục.
Nhìn theo hướng ngược lại, trường hợp bạn đặt mục tiêu mua nhà trong năm tới thì việc dồn toàn bộ tiền nhàn rỗi vào chứng khoán là hình thức đầu tư vô cùng mạo hiểu, đặc biệt là với những người không có nhiều kiến thức. Trong trường hợp này, đầu tư trái phiếu hay gửi tiền tiết kiệm lại đem đến hiệu quả tối ưu hơn.
Câu hỏi 2: Khả năng chấp nhận rủi ro của bạn ở đâu?
Khả năng chấp nhận rủi ro trong đầu tư là yếu tố cực kỳ quan trọng trong sự thành bại trên thị trường chứng khoán. Các chọn lựa đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng vô cùng đa dạng, có thể phân theo khả năng sinh lợi và rủi ro.
Một vài câu hỏi, bạn có thể tự hỏi bản thân để xác định khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân như là:
● Tôi có thể sẵn sàng chấp nhận mất toàn bộ vốn đầu tư ban đầu không?
● Hậu quả nào sẽ xảy ra nếu thua lỗ quá độ trên thị trường chứng khoán?
● Tôi có thể chịu đựng thua lỗ tối đa đến mức độ nào?
Mỗi người sẽ có khả năng chịu đựng sự lên xuống khác nhau dưới biến động của thị trường. Trước khi đầu tư, bạn phải xác định nguy cơ một ngày nào đó danh mục cổ phiếu sẽ biến động lỗ vài phần trăm hoặc có thể nhiều hơn thế. Vì thế, trước khi đầu tư, việc xác định mức độ chịu đựng của bản thân là cực kỳ quan trọng để đảm bảo tâm lý vững vàng trước những diễn biến của thị trường.
Câu hỏi 3: Ngân sách đầu tư của bạn là bao nhiêu?
Bạn sẽ dùng bao nhiêu tiền nhàn rỗi kiếm được hàng tháng cho việc đầu tư? Việc xác định chính xác con số này sẽ giúp bạn quản lý tài chính hữu hiệu hơn.
Để xác định ngân sách đầu tư, bạn cần nắm bắt chính xác khoản thu - chi hàng tháng. Một số công cụ như: Google sheet, bảng tính Excel hay các ứng dụng
quản lý tài chính như Mint, MISA, Money Lover cũng sẽ giúp bạn kiểm soát, tính toán linh hoạt các chi tiêu bản thân để lên kế hoạch phân bổ thu nhập hiệu quả.
Dù chọn lựa quản lý theo cách nào, mục đích cuối cùng vẫn là xác định ngân sách đầu tư chính xác. Hãy nhớ rằng, ngân sách đầu tư phải tương xứng với khả năng chịu đựng rủi ro. Nếu bạn ưa mạo hiểm, bạn có thể chọn đầu tư nhiều hơn tiết kiệm và ngược lại. Song cần đảm bảo số tiền đem đi đầu tư không phạm vào phần tiền dành cho chi tiêu cần thiết trong cuộc sống hàng ngày.
Câu hỏi 4: Tình trạng của doanh nghiệp mà bạn định đầu tư như thế nào?
Tuyệt đối không bao giờ được mua cổ phiếu theo cảm tính, mua chỉ vì bạn thích một công ty nào đó. Điều này là vô cùng mạo hiểm và rủi ro. Thay vì vậy, trước khi đầu tư, bạn cần tìm hiểu kỹ về một doanh nghiệp, cách kiếm tiền, các chỉ số sức khỏe tài chính, biên lợi nhuận, đo lường khả năng sinh lời hay đối thủ cạnh tranh. Các khía cạnh này có thể nắm bắt thông qua các báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp hay từ báo cáo của các chuyên gia phân tích. Điều này sẽ khiến cho việc đầu tư của bạn hiệu quả và an tâm hơn.
Trên đây, bài viết đã tổng hợp 4 câu hỏi cần thiết bạn cần phải trả lời trước khi gia nhập vào thị trường chứng khoán. Hy vọng rằng những chia sẻ trên sẽ là hành trang
kiến thức tài chính kinh doanh bổ ích, giúp bạn thành công trên thị trường hấp dẫn này.