Thu nhập khả dụng của người dân Malaysia đang trong xu hướng tăng, thúc đẩy nhu cầu sản phẩm nhập khẩu có chất lượng cao. Đó là những yếu tố tích cực thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng thực phẩm của Việt Nam sang Malaysia.
Các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển tại hai thị trường Malaysia. Đây là thông tin được Ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết.
Cụ thể, nền nông nghiệp nội địa phát triển không mạnh, thiếu lao động, sản lượng lương thực không đáp ứng đủ nhu cầu khiến Malaysia phải nhập khẩu nhiều nông sản, thực phẩm chế biến.
Mặt khác, hình thức bán lẻ thực phẩm của Malaysia phát triển nhanh, đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu nhập khẩu. Thu nhập khả dụng của người dân Malaysia đang trong xu hướng tăng, thúc đẩy nhu cầu sản phẩm nhập khẩu có chất lượng cao. Đó là những yếu tố tích cực thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng thực phẩm của Việt Nam sang Malaysia.
Hơn nữa, số lượng người dân Việt Nam sinh sống và làm việc ở Malaysia lớn, nhà hàng, quán ăn Việt Nam mở ra khá nhiều là kênh quảng bá văn hoá, ẩm thực hiệu quả ở nước sở tại. “Nhiều thực phẩm của Việt Nam, như gạo được người dân Malaysia đánh giá cao. Đặc biệt, một số món ăn của Việt Nam như phở, nem cuốn rất thu hút người tiêu dùng ở nước sở tại”, ông Lê Phú Cường cho hay.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cũng thông tin: Nhu cầu thực phẩm đạt tiêu chuẩn Halal tại thị trường Malaysia cũng tăng lên tương ứng và mở rộng từ áp dụng cho sản phẩm từ thịt sang các đồ ăn nhẹ như sữa…
Nhiều cơ hội cho thực phẩm Việt tiếp cận thị trường Malaysia. Ảnh internet.
Hầu hết mặt hàng thực phẩm nhập khẩu vào Malaysia đều yêu cầu có chứng nhận Halal. Chứng nhận này cũng được coi như tiêu chuẩn mới về chất lượng và vệ sinh an toàn. Cơ quan Chính phủ nước sở tại cũng luôn khuyến cáo và thúc đẩy việc sử dụng chúng chỉ Halal trong các hoạt động.
“Thực phẩm có chứng chỉ Halal có thể dễ dàng tiếp cận người dân Malaysia. Trường hợp không có chứng nhận Halal, thực phẩm chỉ có thể tiếp cận khoảng 20% dân số người gốc Trung Quốc và gần 10% người gốc Ấn Độ tại Malaysia”, ông Lê Phú Cường nói.
Có thể thấy, có cơ hội mở rộng xuất khẩu mặt hàng thực phẩm sang thị trường Malaysia, tuy nhiên, đại diện Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại cũng khuyến cáo, doanh nghiệp xác định đối mặt với nhiều rào cản.
Đầu tiên là yêu cầu về chứng nhận Halal – đây là quy trình khá khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp. Thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc, Thái Lan… ở phân khúc cao cấp hơn là Australia và New Zealand. Bởi những quốc gia này đều có hiệp định thương mại tự do với Malaysia.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam chưa am hiểu thị trường, chưa đa dạng hoá và thay đổi sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Malaysia.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cũng lưu ý: Các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm cần lưu tâm đến xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm có chứng chỉ Halal sang thị trường Malaysia do tỷ lệ người theo đạo hồi ở Malaysia lớn và chỉ lựa chọn các sản phẩm được cấp chứng chỉ Halal.
Malaysia đang tăng cường kiểm soát giá cả sinh hoạt do thiếu hụt nguồn cung một số loại thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho nhu cầu thiết yếu như trứng, gạo… nên quan tâm kết nối với hệ thống phấn phối để gia tăng xuất khẩu.
Trước khi ký hợp đồng, doanh nghiệp nên yêu cầu kiểm tra số đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp Malaysia. Mã số đăng ký kinh doanh gắn liền với tên tuổi của doanh nghiệp và được công khai, có mã số này thương vụ có thể kiểm tra trong thời gian rất ngắn, tránh được rủi ro đối tác không tồn tại.
“Thương vụ có quan hệ khá tốt với nhiều nhà phân phối lớn có thể kết nối trực tiếp giúp doanh nghiệp trong nước với nhà bán lẻ Malaysia, tiết kiệm được khâu trung gian, đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tới người tiêu dùng. Do vậy doanh nghiệp có nhu cầu kết nối với thương vụ để phối hợp triển khai các hoạt động”, ông Lê Phú Cường nhấn mạnh.
Về phía các địa phương và hiệp hội ngành hàng, đại diện thương vụ đề xuất: Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của địa phương, thành viên hiệp hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại thị trường Malaysia như tổ chức hội chợ chuyên ngành hoặc tổng hợp các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại Malaysia… Phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại Malaysia trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến tại thị trường Malaysia, nhất là việc xác minh đối tác.
Bang Sabah (phía đông Malaysia) mong muốn mời các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chơ Quốc tế Sabah EXPO từ ngày 22 - 24/09/2023 tại Kota Kinabalu và có giảm phí cho các doanh nghiệp đăng ký hội chợ thông qua Thương vụ Việt Nam tại Malaysia.
Ông Lê Phú Cường cũng thông tin thêm: Chính phủ Malaysia đang xem xét bãi bỏ việc độc quyền nhập khẩu gạo của Công ty BERNAS trong nhiều năm qua. Nếu việc này sớm diễn ra thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường gạo trung và cao cấp tại đây nhưng cũng sẽ phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu từ các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Campuchia.