Ngày 1/3, Cục Thống kê Đà Nẵng công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP 2 tháng đầu năm 2023 cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sụt giảm mạnh do nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới; nhu cầu tiêu dùng giảm sút; giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao; thị trường xuất khẩu không thuận lợi.
Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn cho thấy, sự biến động bất lợi từ thị trường thế giới dẫn đến khó khăn trong xuất khẩu, đơn hàng giảm cả về số lượng và quy mô ở cả trong nước và nước ngoài… Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Đà Nẵng ước tính giảm gần 9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,3%).
Do thiếu đơn hàng nên chỉ số sử dụng lao động tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng 2 tháng đầu năm 2023 sụt giảm
Do nguồn nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nguồn cầu tiêu thụ hàng hóa bị sụt giảm… đã buộc nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn (Công ty CP Dệt May 29/3; Công ty CP Hữu Nghị Đà Nẵng; Công Ty CP Cao su Đà Nẵng...) phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm việc, cho người lao động nghỉ việc luân phiên, tạm ngừng dây chuyền sản xuất để cân đối thu chi, duy trì bộ máy hoạt động.
Tình hình này khiến chỉ số sử dụng lao động của Đà Nẵng trong 2 tháng qua ước giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp FDI giảm mạnh hơn 12%. Trong 4 ngành kinh tế cấp 1 chỉ có khai khoáng đạt chỉ số dương (+11,2%) do nhiều cơ sở khai khoáng được hoạt động trở lại, ba ngành kinh tế cấp 1 còn lại đều có mức giảm trên mức bình quân chung.
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, từ thực tế hoạt động công nghiệp trên địa bàn cho thấy, để ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 và những năm đến, chính quyền TP cần đề ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực; có chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư đối với ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đồng thời có giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; kích cầu tiêu thụ trong nước... để tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khu vực, trong và ngoài nước.